Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sinh viên năm cuối khủng hoảng, lo thi tốt nghiệp vì học trực tuyến kéo dài

(VTC News) -

Nhiều sinh viên năm cuối tại TP.HCM lo lắng, áp lực về thi tốt nghiệp, làm khóa luận tốt nghiệp khi học trực tuyến kéo dài.

Trở lại TP.HCM khi thành phố chuyển sang trạng thái "bình thường mới", song Nguyễn Thị Tuyết Nga, sinh viên năm cuối Trường ĐH Luật TP.HCM vẫn chưa thể lên giảng đường, ngày ngày phải vẫn học “qua màn hình”. Nga rất lo lắng, áp lực cho thi tốt nghiệp bởi học trực tuyến kéo dài mấy tháng qua.

“Đầu óc em thực sự trống rỗng, học nhưng không vô kiến thức. Năm nay em thi tốt nghiệp ra trường, em rất sợ rớt môn học. Nhiều buổi học em không hứng thú và tập trung được nên rất lo, khủng hoảng”, Nga chia sẻ.

Cũng là sinh viên năm cuối, Kim Ngân (Trường ĐH Bách Khoa học, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, học trực tuyến không đem lại nhiều hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo cũng như việc làm khóa luận tốt nghiệp của sinh viên.

Kim Ngân không chỉ lo lắng về kết quả học tập mà còn cảm thấy mơ hồ về nhận thức cuộc sống, không hứng thú học tập và thấy buồn bực khi phải ở phòng trọ quá lâu “làm bạn” và học tập với chiếc laptop.

“Ở nhà lâu quá, em cảm thấy không còn hứng thú học tập, nhiều khi không để ý ở ngoài xảy ra chuyện gì.  Em lo khóa luận tốt nghiệp của em sẽ không được điểm cao, em rất mong được trở lại trường”, Ngân nói.

Sinh viên năm cuối chịu áp lực cao vì học trực tuyến. (Ảnh minh họa)

Cảm thấy bản thân nhiều thiếu sót, tự ti và mơ hồ về mục đích sống trong thời gian dịch bệnh. Thường xuyên mất ngủ và khó tập trung trong khi học trực tuyến, thi online điểm thấp là những vấn đề mà Lê Thị Trà My, sinh viên ĐH Luật TP.HCM gặp phải.

Vì học trực tuyến không tập trung, em gặp phải chứng hay quên nên kết quả thi rất thấp. Em rất lo, mất ngủ vì sợ mình nợ học phần không thể ra trường”, My nói.

Theo kết quả nghiên cứu về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên trong hệ thống của Đại học Quốc gia TP.HCM công bố (nghiên cứu do Trường ĐH Quốc tế thực hiện, khảo sát với tất cả 37.150 sinh viên), trong các áp lực tâm lí mà sinh viên phải chịu thì vấn đề áp lực học tập trực tuyến được ghi nhận cao nhất (65,1%). Sinh viên có xu hướng lo lắng về việc này, cả vì lí do trang thiết bị, kết quả và căng thẳng liên quan đến đại dịch

Khảo sát cũng ghi nhận sự thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập, sinh hoạt là vấn đề mà đa số các sinh viên mắc phải (chiếm 56,8%). Bên cạnh đó là tỉ lệ sinh viên mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều (chiếm 56,2%). Đáng chú ý, 48% sinh viên được khảo sát thừa nhận đã cảm thấy nhiều thiếu sót, tự ti và mơ hồ về mục đích sống của bản thân trong thời gian dịch bệnh.

Ngoài ra cũng xảy ra các vấn đề như mất nhận thức thoáng qua, có những hành vi vô thức, hay quên cũng như sự thay đổi tính tình trở nên cáu gắt, buồn rầu, lo lắng không rõ lý do, tương ứng là 36,5% và 35,7%.

PGS.TS Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM.

Nói về mong muốn trở lại trường của sinh viên, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, bệnh dịch hiện nay rất khó lường, nên trường vẫn cho sinh viên học trực tuyến. Dù hiểu được những khó khăn của sinh viên khi phải học trực tuyến gần một năm nay nhưng nhà trường cũng không còn cách nào khác.

Nếu dịch bệnh giảm, tập trung được, nhà trường sẽ cho tập trung ngay và phân loại sinh viên để hỗ trợ nhưng hiện vẫn chưa được học trực tiếp, trường phổ thông cũng vậy. Giờ trong từng giai đoạn dịch nhà trường sẽ có những ứng xử phù hợp để bảo vệ lợi ích của sinh viên”, PGS.TS Trần Hoàng Hải nói.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải, sinh viên ở nhiều tỉnh khác nhau nên khó quản lý, có tỉnh độ phủ vaccine ngừa COVID-19 chưa cao nên không thể triển khai việc học trực tiếp, tập trung sinh viên được.

Đối với sinh viên năm cuối, đến thời điểm thi, làm khóa luận tốt nghiệp, nhà trường sẽ xem xét và cân nhắc các phương pháp phù hợp đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.

“Đến thời điểm thi, nhà trường sẽ xem xét, cân nhắc làm sao tốt nhất có thể cho các em. Hiện thi học kỳ, thi hết học phần, trường tổ chức thi online. Lớp chất lượng cao thi vấn đáp, lớp đại trà tổ chức thi trắc nghiệm online”, PGS.TS Trần Hoàng Hải cho biết.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tư vấn cho các học sinh. (Ảnh: Thúy Hằng/Báo Phú Yên)

Tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, hiện sinh viên của trường vẫn tiếp tục học trực tuyến theo kế hoạch chung của ĐHQGTP.HCM.

Đối với sinh viên cuối khóa, nhà trường có những hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện học tập cho các em nhiều hơn.

Trường thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, các bài giảng, thủ tục trực tuyến hoàn toàn để bớt áp lực cho sinh viên. Riêng sinh viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp, giảng viên hướng dẫn và các khoa chủ động hướng dẫn, khuyến khích sinh viên thực hiện đề tài thích ứng với điều kiện mới, không nặng nề, gây áp lực”, PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho biết.

Về học trực tuyến, trường tặng cước 3G, thiết bị học tập… để sinh viên có điều kiện học tại nhà tốt nhất. Thông qua đoàn hội, giảng viên phụ trách, trường cũng có những hỗ trợ để động viên tinh thần, chăm sóc sức khỏe giúp sinh viên bớt áp lực, căng thẳng do học trực tuyến mang lại.

Ngoài ra, nhà trường hỗ trợ miễn giảm học phí, không tăng theo Nghị định 81; tặng học bổng từ nhiều nguồn như cựu sinh viên, doanh nghiệp, mạnh thường quân; tặng giáo trình hay quà để giảm bớt gánh nặng chi phí cho sinh viên trong đại dịch COVID-19.

MAI THÚY

Tin mới