Cơ quan quản lý California (Mỹ) đã đóng cửa SVB. Hiện ngân hàng này bị đặt dưới sự kiểm soát của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC). Tài sản của SVB có thể sẽ bị thanh lý để trả lại cho khách hàng, bao gồm cả những người gửi tiền và chủ nợ.
Tất cả những người đã gửi tiền tại SVB được FDIC đảm bảo vẫn có thể tiếp cận số tiền gửi có bảo hiểm của họ trước ngày 13/3. Những người gửi tiền không được bảo hiểm tại SVB sẽ được trả một khoản “cổ tức tạm ứng” trong tuần tới.
Silicon Valley Bank (SVB) bị đóng cửa sau khi khách hàng rút tới 42 tỷ USD khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán. (Ảnh: Getty)
Vào ngày 7/3, SVB tuyên bố họ đã bán lỗ một loạt chứng khoán và sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới. Tới ngày 8/3, cổ phiếu của SVB giảm sâu, khiến cổ phiếu của các ngân hàng khác giảm theo. Sang ngày tiếp theo, cổ phiếu của SVB bị tạm dừng giao dịch, ngân hàng này cũng từ bỏ nỗ lực tăng vốn hoặc tìm người mua. Một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng tạm thời ngừng giao dịch cùng ngày, bao gồm First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank.
Ông Dennis Kelleher, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Better Markets cho biết: “Tình hình SVB xấu đi nhanh đến mức họ không thể trụ nổi thêm năm tiếng nữa. Bởi vì những người gửi đã rút tiền quá nhanh khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán và việc đóng cửa trong ngày là không thể tránh khỏi”.
Sự suy giảm của Silicon Valley Bank một phần là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm qua.
Vào thời điểm lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng đã tích trữ một lượng lớn trái phiếu Kho bạc dài hạn. Nhưng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất để chống lạm phát, giá trị của số trái phiếu đó giảm, khiến các ngân hàng phải chịu nhiều khoản lỗ nặng.
SVB nằm trong số 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ, với tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD vào cuối năm ngoái.