Theo đó, từ ngày 25/5/2023, mã cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
HNX cho biết, căn cứ cơ sở xem xét báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, HNX đưa cổ phiếu VNZ vào diện hạn chế là do tổ chức đăng ký giao dịch chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bị hạn chế, HNX yêu cầu Công ty cổ phần VNG phải có văn bản giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.
Cổ phiếu VNZ của VNG bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/5. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)
VNZ là một trong số cổ phiếu gây chú ý nhiều nhất trên sàn chứng khoán gần đây bởi đà tăng chóng mặt sau khi lên sàn và xác lập kỷ lục mới trong lịch sử thị trường với thị giá trên 1 triệu đồng/cổ phiếu. Theo đó, từ mức 240.000 đồng/cổ phiếu khi bắt đầu sóng tăng vào 1/2, thị giá VNZ đã đạt đỉnh 1.358.700 đồng/cổ phiếu vào phiên 15/2, tương ứng mức tăng hơn 4,66 lần, trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn. Định giá của VNG đạt 48.701,6 tỷ đồng, tương ứng 2,06 tỷ USD trong phiên này. Nhưng trước khi có chuỗi tăng trần trên, cổ phiếu VNZ trải qua 14 phiên liên tục không có giao dịch (kể từ khi chào sàn vào 5/1). Trong 7/11 phiên tăng trần, chỉ có 100 cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.
VNG (tiền thân là Vinagame) là doanh nghiệp chuyên phát hành trò chơi trực tuyến; cung cấp các sản phẩm công nghệ như dịch vụ đám mây, cổng thanh toán điện tử (ZaloPay) hay nền tảng di động Zalo... Cổ phiếu VNG được đăng ký giao dịch cổ phiếu (sàn UPCoM) với mã VNZ và ngày giao dịch chính thức 5/1.