Tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, tính đến chiều 5/9, toàn tỉnh có 474 tàu vào neo đậu, tránh trú bão. Hiện tất cả tàu, thuyền và các lao động Hà Tĩnh đang hoạt động trên biển nắm bắt được thông tin về bão số 3 (siêu bão Yagi) và chủ động tìm nơi tránh trú, neo đậu an toàn.
Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh duy trì tối đa lực lượng, túc trực 24/24, các phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Đám mây kéo thành dải dài hàng km, hình thù giống cơn “sóng thần”. (Ảnh chụp tại thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm tra, chủ động hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, bãi, đảm bảo an toàn khi bão số 3 đổ bộ vào bờ.
Ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News, sáng nay, nhiều khu vực ở huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) và TP Vinh (tỉnh Nghệ An) xuất hiện những đám mây kỳ lạ, như “sóng thần” trên bầu trời.
Theo hình ảnh ghi lại, đám mây xuất hiện thành từng dải và kéo dài theo dọc bờ biển. Những đám mây đen với hình thù kỳ dị xuất hiện trước cơn bão khiến nhiều người dân lo sợ xảy ra thời tiết cực đoan.
Ông Trần Đức Bá – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện tượng này gọi là dải mây hoàn lưu xa của bão, thường xuất hiện trước hoặc sau cơn bão.
Tại Quảng Bình, báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh, tất cả tàu thuyền đang hoạt động trên biển của tỉnh Quảng Bình được thông báo và di chuyển đến điểm tránh, trú an toàn.
Tỉnh Quảng Bình có tổng số 7.313 phương tiện với 18.979 lao động, trong đó, neo đậu tại bến 6.857 phương tiện, 17.418 lao động. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. 456 phương tiện với 1.561 lao động đang hoạt động trên biển được các lực lượng chức năng thông tin về bão số 3, hiện đã tìm nơi tránh trú an toàn.
Để chủ động đối phó với bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị chức năng, truyền thông, các đơn vị tuyến biển phối hợp với địa phương, gia đình thông báo cho chủ tàu, thuyền giữ thông tin liên lạc để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương rà soát các công trình, hồ chứa, vị trí nguy cơ cao sạt lở, chủ động ứng phó với mưa bão. Các địa phương cũng rà soát các khu neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn, hướng dẫn tránh trú, cứu hộ, cứu nạn cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Tại Quảng Trị, tổng số tàu thuyền của địa phương này là 2.280 chiếc với 5.582 thuyền viên. Hiện có 2.268 chiếc với 5.482 thuyền viên đã vào nơi neo đậu an toàn.
Đồn Biên phòng Triệu Vân (tỉnh Quảng Trị) chủ động tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, kêu gọi, bố trí sắp xếp cho 196 tàu với 448 thuyền viên nội tỉnh và 52 tàu với 390 thuyền viên ngoại tỉnh vào bờ an toàn.
Hiện tỉnh này còn 12 tàu thuyền với 84 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Cụ thể, 3 chiếc với 26 thuyền viên đang hoạt động tại vùng biển từ Bình Định - Khánh Hoà; 7 chiếc với 48 thuyền viên hoạt động từ vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam và 2 chiếc với 10 thuyền viên đang hoạt động tại vùng biển Quảng Trị.
Ngoài ra, Quảng Trị hiện cũng tiếp nhận 103 tàu thuyền với 804 thuyền viên của các địa phương khác như Quảng Ngãi; Bình Định; Nghệ An; Thừa Thiên - Huế; Quảng Bình; Thanh Hoá; Ninh Thuận; Nam Định và Hải phòng vào neo đậu, tránh bão số 3.
Đến hiện tại, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn. Để đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập và đê điều trước mùa mưa lũ năm 2024, đến thời điểm hiện nay, các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình nhằm phát hiện và khắc phục, sửa chữa, tu bổ kịp thời các hư hỏng.
Đồng thời, các đơn vị xây dựng, rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đối với các hồ, đập; phương án hộ đê tại các khu vực xung yếu đối với các tuyến đê, kè để chủ động trong công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Tại Thừa Thiên - Huế, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh này, đến 8h10 ngày 6/9, toàn bộ tàu thuyền vào neo đậu an toàn. Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế hiện cũng đang tiếp nhận 22 tàu, thuyền với 126 lao động của các tỉnh khác vào neo đậu, trú tránh siêu bão Yagi.
Khoảng 3h ngày 6/9, tại xã Điền Hương (huyện Phong Điền), do biển động, triều cường cuốn trôi 9 thuyền đi biển của ngư dân thôn Trung Đồng (xã Điền Hương) ra biển.
Đại tá Hoàng Văn Thành - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế dự phiên họp trực tuyến ứng phó bão số 3 của Bộ Công an.
Nhận được tin báo của ngư dân, Công an xã Điền Hương nhanh chóng tham mưu và huy động động lực lượng triển khai cứu hộ và nhanh chóng đưa được 9 thuyền đi biển của ngư dân vào bờ an toàn. Đồng thời, lực lượng cứu hộ cũng đưa 10 chiếc thuyền khác ở khu vực nguy hiểm vào khu an toàn. Các chủ tàu được yêu cầu tắt các thiết bị điện để phòng chống cháy nổ, néo dây định vị chắc chắn, chủ động phòng tránh các tình huống xấu xảy ra.
Để ứng phó với bão, trong sáng 6/9, Công an Thừa Thiên - Huế triển khai họp trực tuyến triển khai phương án phòng chống bão số 3 và mưa lũ của Bộ Công an.
Ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News, tại các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, hiện các địa phương này có gió nhẹ, trời âm u. Tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị nhiều nơi xuất hiện mưa nhỏ rải rác.
Tại Nghệ An, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện địa phương có 2.833 tàu thuyền với 13.638 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Tính đến 8h ngày hôm nay, số tàu thuyền đang neo đậu tại bến là 2.806 phương tiện với 13.317 lao động.
Các tàu thuyền ngoại tỉnh neo đậu tại Nghệ An là 216 phương tiện với 1.374 lao động. Số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 27 phương tiện với 321 lao động. Trong đó, có 3 phương tiện với 16 lao động đang hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ. 23 phương tiện với 131 lao động đang hoạt động ven bờ tỉnh Nghệ An và 1 phương tiện của địa phương khác với 4 lao động đang hoạt động trên vùng biển Nghệ An.
Hiện tất cả các phương tiện đều được giữ liên lạc, không có tàu cá hoạt động trên vùng nguy hiểm. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão số 3.
Thời gian qua, Nghệ An xảy ra mưa lớn cục bộ tại một số huyện miền núi. Do đó, khi mưa lớn tiếp tục trút xuống sẽ gây nguy cơ sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du hồ đập. Hiện nay, các địa phương đã xây dựng các kịch bản để ứng phó.
Trong phương án ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An cũng xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng do bão. Tùy vào cấp bão, các địa phương sẽ tổ chức sơ tán dân theo kịch bản.
Lúc 9h ngày 6/9, siêu bão Yagi vẫn giữ cường độ cấp 16, giật trên cấp 17 (cấp 19-20). Chỉ còn chưa đầy một ngày nữa, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.
Bắt đầu từ khoảng trưa 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ tối và đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Trên đất liền, từ đêm 6/9 và gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.