Ngày 3/11, nhà xe Thành Bưởi bị lực lượng chức năng tước giấy phép hoạt động 3 tháng, phạt 91 triệu đồng do nhiều sai phạm, trong đó có việc không thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn giao thông và quy định đón trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện.
Thực tế, không chỉ Thành Bưởi, nhiều nhà xe khác ở TP.HCM vẫn ngang nhiên đón, trả khách giữa đường hoặc tự lập các “bến lậu”. Dư luận nhiều lần đặt câu hỏi liệu cơ quan chức năng làm thế nào để giải quyết thực trạng gây nhức nhối này.
Trả lời vấn đề trên, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam chưa nâng cấp để trích xuất dữ liệu điểm đầu, điểm cuối trùng lặp của tổng số chuyến của xe trong thời gian một tháng.
Nhà xe Thành Bưởi bị lực lượng chức năng tước giấy phép hoạt động kinh doanh 3 tháng vì có nhiều sai phạm.
Cục Đường bộ Việt Nam chưa xây dựng và triển khai phần mềm để các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch cung cấp nội dung tối thiểu của hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách.
Hiện chưa có quy định rõ ô tô khách của một đơn vị kinh doanh vận tải (không phân biệt biển số xe) hay là từng xe ô tô khách (phân biệt từng biển số xe cụ thể); số lỗi lặp đi lặp lại hàng ngày bao nhiêu lần được xác định là vi phạm.
Đến nay cũng chưa có khái niệm hoặc quy định như thế nào là điểm giao dịch đón, trả khách trái phép (bến dù, bến cóc).
Lực lượng chức năng TP.HCM kiểm tra trụ sở chính của nhà xe Thành Bưởi tại quận 5.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP.HCM gửi văn bản đến Bộ Giao thông Vận tải báo cáo một số khó khăn, vướng mắc để Bộ hướng dẫn kiểm tra, xử lý tình trạng ô tô khách đón, trả khách không đúng nơi quy định. Hiện nay, Bộ Giao thông ận tải đã dự thảo Nghị định điều chỉnh, bổ sung và đang lấy ý kiến góp ý.
Cũng theo ông Bùi Hòa An, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành kế hoạch chuyên đề về tăng cường bảo đảm trật tự hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng ô tô trên địa bàn.
Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến "xe dù, bến cóc", chở quá số người quy định, xe quá tải, điều khiển phương tiện vi phạm về tốc độ và nồng độ cồn, tăng giá vé trái quy định, dừng, đỗ trái phép, chiếm dụng lòng đường và vỉa hè gây mất trật tự an toàn giao thông.
TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp Công an TP.HCM kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vận tải theo thẩm quyền; trong 9 tháng đầu năm 2023 đã phối hợp kiểm tra, xử lý 2.383 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt hơn 3,5 tỷ đồng.
Các lực lượng chức năng cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tại các bến bãi, điểm đón, trả khách trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý; kiên quyết xử lý dứt điểm các bãi trông giữ xe, bãi đỗ xe tạm có tổ chức đón trả khách không đúng quy định.
Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, Sở đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo xây dựng chương trình thanh tra năm 2024, lưu ý thanh tra về điều kiện kinh doanh vận tải, kê khai thuế, sử dụng lao động… đối với một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch vi phạm nhiều lần về tốc độ, đón trả khách không đúng quy định.