Cuối niên độ 2017 – 2018, nợ vay của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tăng lên mức đỉnh điểm 14.340 tỷ đồng, đáng báo động với hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên đến 2,8 lần. Chi phí lãi vay của Hoa Sen tiếp tục tăng lên gần gấp đôi lên 812 tỷ đồng năm 2018 sau khi tăng hơn gấp đôi trong năm 2017.
Kết quả kinh doanh trong năm qua đã để lại nhiều thất vọng cho giới đầu tư khi lợi nhuận sụt giảm chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Bước sang quý I (NĐTC 2018- 2019), hoạt động kinh doanh của HSG đã bộc lộ rõ những điểm yếu khiến cho giới đầu tư quan ngại.
Biên lợi nhuận HSG sụt giảm nghiêm trọng (HSC).
Quý I (NĐTC 2018- 2019), doanh thu thuần hợp nhất của Hoa Sen Group bất ngờ sụt giảm 4,3% so với cùng kỳ đạt 7.545 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận sau thuế giảm 81,8% so với cùng kỳ xuống còn 61 tỷ đồng. Thực tế, nếu loại trừ khoản lợi nhuận bất thường từ việc bán các bất động sản thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính theo ước tính của CTCK HSC là sẽ lỗ khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Có thể thấy, “vũ khí” giúp Hoa Sen tăng trưởng trong nhiều năm là đầu cơ hàng ngàn tỷ đồng nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC) bằng nợ vay đã trở thành tội đồ trong năm vừa qua khi thị trường không đúng như dự báo của công ty. Giá bán bình quân giảm mạnh trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống mức kỷ lục 8,05% trong Q1 năm nay. Tác động kép diễn ra khi các khoản chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay quá lớn ăn sâu vào lợi nhuận của HSG.
Tình hình kinh doanh tuột dốc của HSG còn được nhiều dự báo không mấy thuận lợi cả ở thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. CTCK HSC cho rằng, trong lúc thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ việc thuế chống bán phá giá tăng, thì triển vọng thị trường trong nước cũng không sáng sủa do có những doanh nghiệp mới gia nhập ngành cộng với sự mở rộng công suất mạnh mẽ của các doanh nghiệp hiện hữu dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Đối phó với tình trạng khó khăn, Hoa Sen đang rất nỗ lực giảm vay nợ ngân hàng bằng cách giảm phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và nhân sự. Cụ thể, vào cuối tháng 12/2018, nợ ngân hàng (cả ngắn hạn và dài hạn) tổng cộng là 12,2 nghìn tỷ đồng, giảm 15,3% so với đầu năm và cũng giảm 28,7% từ mức đỉnh điểm vào tháng 12/2017. Đồng thời, tồn kho là 5,7 nghìn tỷ đồng (giảm 39,1% so với cùng kỳ và giảm 14,3% so với đầu năm). Phải thu cũng giảm mạnh 7,6% so với đầu năm, là 1,5 nghìn tỷ đồng. Số nhân viên từ 9.300 giảm về còn 7.000 người.
Chiến lược ‘tập chơi đổ bê tông’ được ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen Group cho biết trong đại hội cổ đông diễn ra vào tháng 1 năm nay. Theo đó, thay vì dành vốn đầu cơ nguyên liệu như trước, HSG sẽ tập trung giảm chi phí và chờ đợi...
“Khi nào Cà Ná được cấp phép, tôi xuất chiêu cho quý vị coi” có vẽ như là một thông điệp nhằm trấn an cổ đông hơn là thực tế. Bởi trước đó, dự án Thép quy mô cả chục tỷ USD của Hoa Sen đã phải tạm dừng do giới chức trách lo ngại về rủi ro phá hoại môi trường biển, là một nguy cơ "Formosa" thứ hai ở Ninh Thuận.
Mới đây, các lãnh đạo Hoa Sen cũng đã trình cổ đông thông qua việc phát hành tối đa 1.000 tỷ đồng cổ phiếu nhằm tạo vốn. Kế hoạch có thể phát hành cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược hoặc nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, bên cạnh triển vọng không sáng sủa cùng sự minh bạch ban lãnh đạo công ty có thể làm giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu HSG.
“Chúng tôi cũng lo ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp của công ty. Đặc biệt là việc lợi nhuận giảm mạnh trong giai đoạn này do ảnh hưởng từ chính sách quản lý tồn kho. Bên cạnh đó là một số vấn đề khác với hệ thống phân phối, tồn kho và giao dịch với các công ty liên quan như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo trước đó. Những vấn đề này lặp lại nhiều lần khiến NĐT mất dần sự tin tưởng đối với đội ngũ lãnh đạo.”, các chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán hàng đầu cho biết.