Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) giảm lãi suất 0,1 - 0,3%/năm đối với tất cả các kỳ hạn huy động. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng (áp dụng nhận lãi cuối kỳ) chỉ còn 4,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 5,05%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng xuống còn 3,5%/năm, giảm khoảng 0,4% so với những ngày đầu năm 2024. Mức lãi suất tiền gửi từ 6 đến 8 tháng xuống 4,5%/năm, kỳ hạn từ 9 đến 11 tháng còn 4,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 5%/năm.
Ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lãi suất tiết kiệm ngay sau Tết Giáp Thìn cũng giảm mạnh. Kỳ hạn 6 tháng chỉ còn 4,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 5,1%/năm.
Có thể thấy, lãi suất tiết kiệm đầu năm 2024 vẫn duy trì ở mức đáy.
Nhiều ngân hàng vẫn hạ lãi suất tiết kiệm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 2/2024 là 7%/năm tại NamABank. Đây là mức huy động cao nhất kể từ tháng 10/2023 trở lại đây. Ngoài ra, BaoVietBank và CBBank lần lượt áp dụng lãi suất 5,2%-5,3%/năm đối với kỳ hạn này.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 2/2024 kỳ hạn 6 tháng là 5%/năm, được áp dụng tại CBBank. Đứng thứ 2 là VietBank (4,8%/năm). NamABank, KienlongBank, BaoVietBank cùng có mức lãi suất 4,7%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng không có chênh lệch lớn so với kỳ hạn 6 tháng. Hầu hết các ngân hàng chỉ điều chỉnh tăng 0,1 – 0,2% so với kỳ hạn 6 tháng. Theo đó, lãi suất tiết kiệm 9 tháng cao nhất là 5,1%/năm ở CBBank; ở NamABank là 5%/năm. Mức lãi suất thấp nhất tại kỳ hạn này là 3-3,2%/năm được áp dụng tại Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank.
Với kỳ hạn 3 tháng, NamABank tiếp tục là ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 2/2024 với 4,65%/năm. CBBank áp dụng lãi suất 4,2%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tháng 2/2024 kỳ hạn 1 tháng cao nhất ở CBBank với 4,1%/năm. Lãi kỳ hạn này ở VietCapitalBank là 3,6%/năm. NCB, VietBank, BaoVietBank cùng áp dụng lãi suất 3,4%/năm; NamABank trả lãi 2,9%/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024, gửi tiết kiệm tại ngân hàng vẫn là kênh đầu tư sinh lời bền vững dù lãi suất không còn hấp dẫn như đầu năm ngoái. Đặc biệt, ở thời điểm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chưa phục hồi ổn định, đầu tư vào đâu cũng phải tính toán, thậm chí chấp nhận rủi ro cao như hiện tại, tiền gửi vẫn là lựa chọn hàng đầu.
Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, dự báo trong năm 2024, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn khi năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng…
Trên thế giới, xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường cũng như môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn. Do đó, dù lãi suất tiền gửi thấp nhưng người dân vẫn hướng dòng tiền vào kênh tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn.
Lãi suất huy động thấp chưa từng là hệ quả của việc giới nhà băng "thừa tiền trong kho". Thanh khoản dồi dào là tốt nhưng tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống bất chấp lãi suất giảm sâu, theo phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh, cũng là điều đáng lo khi dòng tiền không luân chuyển vào sản xuất hay đầu tư. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế chưa thể sớm khởi sắc, do đó mặt bằng lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm 2024.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Trường Đại học kinh tế TP.HCM đưa ra dự báo, có khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại.