Nút giao Ngã Tư Sở nhiều năm qua gây nhức nhối với người tham gia giao thông ở Hà Nội. Kể từ khi đường vành đai 2 dưới thấp (đoạn Trường Chinh) hoàn thiện, cảnh ùn tắc ở đây không những không thuyên giảm, trái lại còn diễn ra nghiêm trọng hơn.
Đây là nút giao của các con đường có mật độ phương tiện lớn như đường Láng, Tây Sơn, Nguyễn Trãi và Trường Chinh.
Thời gian gần đây, sau khi đường vành đai 2 dưới thấp hoàn thành mở rộng, lượng lớn các phương tiện dồn về, làm gia tăng tình trạng ùn tắc ở khu vực này.
Do phải chờ nhịp đèn có thời gian dài, các phương tiện đi từ đường Trường Chinh sang đường Láng và ngược lại bị tắc nghẽn tại đây.
Nhịp đèn đỏ quá lâu cũng là nguyên nhân khiến các con đường thường xuyên quá tải. Thời gian chờ đèn đỏ hơn 80 giây cộng với tắc đường khiến nhiều người ngán ngẩm lấy điện thoại ra dùng trong lúc chờ đợi.
Nhiều tài xế tỏ ra mệt mỏi giữa dòng phương tiện. Tắc đường dài nhất xảy ra vào hai khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều tối. Vào những ngày mưa, tình trạng kẹt xe có thể kéo dài cả ngày.
Nhiều đoạn vỉa hè khá hẹp lại bị xe máy leo kín khiến người đi bộ phải chuyển hướng đi xuống sát lòng đường. Bà Nguyễn Thị Kim (phường Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân) cho biết tình trạng ùn tắc nghiêm trọng hơn từ khi đường Trường Chinh hoàn thành việc mở rộng.
Khu vực cửa hầm dành cho người đi bộ luôn trong tình trạng bị các phương tiện cắt ngang khiến người dân gặp khó khăn khi tiếp cận.
Người đi xe đạp phải dắt xe để vượt qua dòng phương tiện đang ùn ứ.
Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Công an Hà Nội, triển khai lực lượng cắm chốt tại nút giao này. “Ùn tắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày nên chúng tôi luôn phải sẵn sàng phân luồng chứ không cố định vào các khung giờ cao điểm như những nơi khác”, một chiến sĩ nói.
Là điểm qua lại giữa các khu dân cư đông đúc như Khương Trung, Thượng Đình, Trung Liệt… lại thiếu các trục hướng tâm nên các phương tiện thường lưu thông qua nhiều đường nhánh, ngõ trước khi đổ về Ngã Tư Sở.
TS Phan Lê Bình, chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nhận định trong thời gian tới, khi tuyến vành đai 2 trên cao thông xe, sẽ có 2 lối lên xuống nằm cách nút giao Ngã Tư Sở khoảng 100 m. "Áp lực phương tiện lúc đó sẽ dồn về nút giao Ngã Tư Sở. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần tính tới các giải pháp tổ chức giao thông và hoàn thiện hạ tầng để tránh biến đây thành một điểm nghẽn", ông Bình nói.
Nút giao Ngã Tư Sở - nơi giao cắt của các trục đường lớn. (Ảnh: Google Maps)