Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sau 48 năm ngày giải phóng, Đà Nẵng phát triển ấn tượng thế nào?

(VTC News) -

Gần nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, Đà Nẵng đạt được thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế, xã hội, trở thành đô thị thông minh, hiện đại bậc nhất của cả nước.

     Ấn tượng Đà Nẵng nhìn từ trên cao.

Không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, hữu tình, Đà Nẵng còn nổi tiếng bởi hàng loạt công trình hiện đại với phong cách độc đáo, nổi bật, góp phần tạo nên bản sắc của đô thị trẻ sôi động, đang trong quá trình phát triển không ngừng để trở thành thành phố động lực, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Sau gần nửa thể kỷ giải phóng, Đà Nẵng vươn mình mạnh mẽ, hướng đến là thành phố đáng đến và đáng sống.

Đặc biệt, sau khi chia tách với “người anh em” Quảng Nam vào ngày 1/1/1997, Đà Nẵng chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Với chiến lược phát triển nền kinh tế bền vững, ngay từ những năm đầu sau chia tách, Đà Nẵng đã xác định hướng đi cho mình trên nền tảng của các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại, đồng thời tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay, sau 26 năm nỗ lực phát triển, Đà Nẵng đã trở thành một trong những đô thị lớn nhất của cả nước, không gian đô thị từ khoảng 5.600ha, đến nay mở rộng lên tới hơn 20.000h, tức gấp hơn 4 lần so với đô thị cũ

Nhắc đến sự phát triển đột phá của Đà Nẵng là nhắc đến sông Hàn thơ mộng và cầu Sông Hàn, chiếc cầu xoay đầu tiên của Việt Nam, là niềm tự hào của người dân thành phố. Khởi công năm 1998, cầu quay Sông Hàn khánh thành, đi vào hoạt động năm 2000, nối liền hai bờ Đông-Tây, mở ra thời kỳ phát triển ấn tượng của Đà Nẵng. Cầu quay Sông Hàn là biểu tượng cho sức sống mới, là khát vọng vươn lên của Đà Nẵng, được xây dựng bằng sự đóng góp của chính những người dân thành phố.

Nếu trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới (1986-1990), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng đạt khoảng 5,3%/năm thì giai đoạn 1997-2015, kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,5%/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Trong giai đoạn 2015-2020, tổng sản phẩm GRDP Đà Nẵng tăng bình quân 7,3%/năm, với quy mô đạt khoảng 120.161 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 103,6 triệu đồng (tương đương 4.434 USD), gấp 1,4 lần năm 2015.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Đà Nẵng tăng trưởng GRDP âm 9,77% (năm 2020), kéo lùi quy mô kinh tế thành phố trở về thời điểm 3 năm trước. Tuy nhiên, đến năm 2022, Đà Nẵng kiểm soát được dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế thành phố đạt 14,05%, xếp thứ 3 cả nước về tốc độ tăng. Đà Nẵng cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng, là địa phương 2 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, 3 năm liên tiếp (2020-2022) nhận Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam”.

Đến nay, kết cấu hạ tầng của Đà Nẵng đã có bước phát triển ấn tượng cả về quy mô lẫn tốc độ. Đặc biệt, hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ du lịch, các khu dân cư được địa phương quy hoạch, đầu tư đồng bộ và có tầm ổn định dài hạn, từ đó góp phần tạo diện mạo của một đô thị mới văn minh, hiện đại.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đà Nẵng, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của thành phố ước tăng 3,74% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,22% so cùng kỳ; khu vực dịch vụ tăng 6,15%, Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,6%. Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng theo giá hiện hành ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng (mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so cùng kỳ 2022), xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, 6/8 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung. Đà Nẵng xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng GRDP và 17/63 tỉnh, thành phố về quy mô GRDP. Tổng thu ngân sách Nhà nước đến 20/6/2023 đạt 9.679 tỷ đồng, tổng chi ngân sách Nhà nước đến 20/6 đạt 13.121 tỷ đồng.

Đà Nẵng dự thảo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho thời gian từ nay đến năm 2025 với mục tiêu đạt 7,5-8%/năm. Theo đó, với kịch bản 1 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2024-2025 tăng bình quân 7,2%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng 6,5-7%/năm. Theo kịch bản 2 thì giai đoạn 2021-2025 đạt mức tăng trưởng bình quân 7,5-8%/năm (Nghị quyết đề ra mục tiêu 9-10%). Với quy mô GRDP các năm 2021, 2022 (giá so sánh 2010) đã vượt quy mô của năm 2019 thì tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2024-2025 dự kiến đạt bình quân 9,5-10%/năm. Kịch bản 3 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo tổng sản phẩm xã Đà Nẵng (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2024-2025 tăng bình quân khoảng 12,8%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng 9%/năm.

Theo định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển kinh tế theo 3 trụ cột lớn là phát triển du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển kinh tế biển. Cụ thể, về du lịch, một trong những trọng tâm là phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm du lịch quốc tế. Về công nghiệp, phải bảo đảm môi trường sinh thái, phải tập trung phát triển Đà Nẵng theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh. Về kinh tế biển, Đà Nẵng sẽ phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistics.

CHÂU THƯ

Tin mới