Video: Đau đớn tiếng con trẻ gào khóc với chi chít vết thương sau khi thoát chết ở Trà Leng
Sau khoảng hơn 30km vất vả di chuyển trong những đám sạt lở lớn nhỏ ở Quốc lộ 40B tôi mới đến được khu vực huyện Nam Trà My và còn cách khu vực sạt lở ở thôn 1 Trà Leng khoảng hơn 26 km. Đến nơi, trước mắt chúng tôi là cảnh đau đớn đến nghẹn lòng, những người bị thương lần lượt được đưa ra từ đống đổ nát và được lực lượng quân y khẩn cấp sơ cứu.
Trong số những người bị thương ấy có rất nhiều trẻ nhỏ, có cháu khóc thét lên vì nhiều vết thương lớn nhỏ trên người, có cháu lại lịm đi trong vòng tay mẹ vì quá đau đớn.
Ngồi lặng người nhìn những đứa trẻ ngày thường vốn vui vẻ hoạt bát, chạy nhảy khắp bản làng thì hôm nay bỗng nằm trên băng ca với chi chít vết thương trên người, một nạn nhân sợ hãi nhớ: "Sau tiếng nổ lớn, đất đá lấp hết nhà cửa, người dân".
Những người bị thương sau khi được sơ cứu thì được xe cấp cứu chở thẳng về bệnh viện ở huyện Nam Trà My, những trường hợp nặng thì được chuyển thẳng lên các tuyến cao hơn.
Tiếng gào khóc của con trẻ với chi chít vết thương trên người sau khi thoát chết trong vụ sạt lở ở Trà Leng khiến tôi ám ảnh.
Đau đớn nhìn con bị vùi lấp
Đang chăm con nằm điều trị tại bệnh viện nhưng mắt chị Hồ Thị Diệu không ngừng rơi lệ. Chị Diệu còn trẻ nhưng lấy chồng sớm nên vợ chồng chị sinh được 4 nguời con, trong đó người con út mới 10 tháng tuổi. Thế nhưng, hiện vợ chồng chị đang đứng trước cảnh tang thương khi chỉ còn một người con sống sót sau vụ sạt lở kinh hoàng, 1 tìm thấy thi thể và 2 hiện vẫn còn đang mất tích trong đám bùn đất ở vụ sạt lở kinh hoàng ở thôn 1 (xã Trà Leng).
“Sau tiếng nổ như bom, đất đá ùn ùn đổ xuống vùi lấp nhà cửa; tôi giật mình, chỉ biết chạy ra khỏi nhà. Quay lại tìm 4 đứa con thì chỉ có 1 đứa còn sống, 3 đứa còn lại chồng tôi đang tìm và hiện mới thấy thi thể 1 cháu trong đống bùn đất”, người mẹ trẻ đau đớn nói.
Một trong 4 người con của chị Diệu thoát chết ở Trà Leng nhưng đang bị thương khá nặng.
Chị Diệu bàng hoàng kể, do ảnh hưởng của bão số 9 nên ngày 28/10 tại xã Trà Leng có mưa rất lớn, lo sợ sạt lở nên nhiều người dân tìm đến nhà ông Lê Hoàng Việt - Bí thư Đảng uỷ xã để trú ẩn. Như bao nhà hàng xóm, vợ chồng chị Diệu cùng 4 người con cũng đến nhà ông bí thư để tránh bão.
“Lúc đó mưa to lắm, tôi ôm 3 đứa con chơi trong nhà ông bí thư xã, chồng tôi đang đứng với đứa con thứ 3 ở trước sân nhà. Bỗng một tiếng nổ lớn như bom vọng ra từ ngọn đồi phía sau và sau đó, một trận sạt lở ùn ùn vùi lấp nhà cửa, người dân trong bản.
Tôi giật mình và nghĩ cả vợ chồng tôi và 4 con sẽ không ai sống sót...Cuống cuồng, tôi ôm được 1 đứa con chạy ra khỏi nhà và may mắn được một người trong bản đến cứu, đưa đến nơi an toàn. 4 con nhưng giờ vợ chồng tôi vĩnh viễn mất một đứa, 2 đứa còn lại vẫn còn đang mất tích, trong số đó có đứa nhỏ mới 10 tháng tuổi", chị Diệu sụt sùi.
Ánh mắt vẫn còn nhoè lệ va chút thất thần chị Diệu kể tiếp: "Lúc ngọn đồi đổ sụp ai cũng không giữ được bình tĩnh, chỉ biết tìm đường chạy ra khỏi nhà. Nhìn vào hiện trường lúc ấy tan hoang, nơi đâu cũng bị sụp đổ, bùn đất lấp hết mọi thứ. Sau khi giữ được bình tĩnh, chúng tôi cố đào bới tìm người còn sống. Sau đó, tôi cùng mọi người được lực lượng chức năng đưa ra khỏi vụ sạt lở”.
Nằm điều trị bệnh viện ở huyện Bắc Trà My hôm ấy còn có chị Hồ Thị Thanh Hà; chị Hà vốn quê ở thôn 1 xã Trà Leng nhưng lại lấy chồng ở thôn 3. Hôm xảy ra sự việc kinh hoàng, chị Hà đưa 2 con là cháu Hồ Hà My (SN 2012) và Hồ Trần Sa Ny (SN 2015) về thăm ông bà ngoại và ở lại.
Chị Hồ Thị Thanh Hà cùng 2 con thoát chết trong vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng nhưng bị thương nặng.
“Lúc xảy ra vụ sạt lở tôi không có trong nhà và khi đất đá ùn ùn đổ xuống, biến bản làng thành đống đổ nát thì tôi cùng mọi người chạy xuống thấy nhà bố mẹ tôi nằm trong đống bùn đất. Cố đào bới để tìm kiếm, tôi thấy mẹ tôi cùng 2 con gái trong đống bùn đất đổ nát, bị cây cối đè lên người nhưng bố tôi thì không may mắn như vậy", chị Hà khóc nghẹn.
Hiện mẹ chị Hà bị chấn thương khắp người, 1 cô con gái bị gãy chân, đứa còn lại bị chấn thương nặng. “Chưa bao giờ tôi thấy một vụ sạt lở lại lớn đến vậy, đất đá vùi lấp hết tất cả. Sau khi ổn định lại tinh thần, tôi và một số người dân cố bồng bế, đưa 2 con cùng mẹ tôi ra trung tâm xã Trà Leng”, chị Hà buồn bã nói.
Xuyên đêm đào bới tìm người
Từ vị trí lực lượng chức năng đưa những người bị thương ra sơ cứu vào trung tâm xã Trà Leng còn khoảng hơn 26km nhưng theo lời người dân, trên đường đi có hơn 20 điểm sạt lở lớn, nhỏ và muốn vào hiện trường thì phải lội bộ.
Trên đường đi, đường phủ đầy bùn đất, có đoạn bùn còn ngang mắt cá chân; một bên đường là những cánh rừng già hoặc vách núi dựng đứng như chầu chực sạt xuống, bên còn lại là sông sâu.
Tuyến đường từ quốc lộ 40B vào xã Trà Leng với rất nhiều điểm sạt lở; bùn đất tràn ra đường.
Đoạn đường có 16km nhưng gần một tiếng tôi mới đến được trung tâm xã Trà Leng, từ đây vào hiện trường vụ sạt lở ở thôn 1 còn hơn 10km. Bằng chiếc xe máy mượn đường của một người dân, tôi tiếp tục bò vào trên quãng đường phủ dày bùn lầy được khoảng 5km thì buộc phải dừng lại do phía trước mặt là một đám sạt lở khá lớn chắn ngang đường đi.
Từ đây, tôi bỏ lại xe máy bên đường và tiếp tục lội bộ trên quãng đường khoảng 6km với nhiều đoạn bùn ngập đến đầu gối để vào sâu trong khu vực sạt lở. Sau gần 2 giờ cuốc bộ, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tang thương khi cả một bản làng với 11 hộ gia đình bị lũ quét xoá sạch chỉ trong nháy mắt.
Do đường chưa thông tuyến nên lực lượng cứu hộ mới đưa được một máy xúc vào hiện trường để phục vụ việc tìm kiếm người mất tích. Bên trong, hàng chục cán bộ, chiến sĩ quân đội cũng đang làm việc không nghỉ để đào bới tìm kiếm người dân còn đang bị vùi trong bùn đất.
Lực lượng chức năng đốt lửa, dùng đèn pin mò mẫm trong đêm tìm người dân mất tích.
Một lúc sau, một đoàn khoảng 40 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn công binh 270 (Quân khu V) hành quân vào hiện trường. Vừa vào đến nơi, họ chưa kịp nghỉ ngơi vội vã chính đốn đội hình, phân công thành từng nhóm tiếp tục vào hiện trường để tổ chức tìm kiếm người mất tích.
Đại tá Nguyễn Hoài Sơn - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 bảo, lực lượng thuộc đơn vị di chuyển từ sáng sớm nhưng trên đường từ TP Tam Kỳ đến huyện Bắc Trà My nhiều cây cối, cột điện bị bão số 9 quật đổ nên mọi người phải đi trước tiền trạm làm nhiệm vụ thông đường. Sau đó, tiếp tục hành quân vào khu vực sạt lở để phối hợp tìm kiếm và đến chiều muộn mới vào tới nơi.
Vị Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 270 cho hay, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị sẽ làm việc xuyên đêm để quyết tâm đưa những người dân còn mất tích ra khỏi đống bùn đổ nát.
Những cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn công binh 270 đang triển khai lực lượng hành quân vào hiện trường, sẵn sàng xuyên đêm tìm người mất tích.
Trên đường trở ra, tôi gặp những tốp chiến sĩ quân đội đang tiếp tục hành quân vào hiện trường và một nhóm với nhiều máy xúc đang nỗ lực xử lý những điểm sạt lở để sớm thông tuyến vào hiện trường vùi lấp 11 hộ dân. Tại đây, đích thân ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT dù trời tối nhưng vẫn bám hiện trường để chỉ huy công tác thông đường. Ông Thọ cho hay, sẽ chỉ huy lực lượng làm việc xuyên đêm để thông đường càng sớm càng tốt.
Sau hơn 2 tiếng chờ đợi, bằng sự hỗ trợ của đơn vị chức năng tôi mới được phép băng qua vị trí đường bị đám sạt lở vùi lấp và ra trung tâm xã lấy xe máy để tiếp tục hành trình quay trở về trung tâm huyện Bắc Trà My; về đến nơi thì đồng hồ điểm 0h ngày 29/10.