Còn 3 tuần nữa là đến 30/4-1/5 nhưng người lao động vẫn chưa biết chắc dịp lễ này họ được nghỉ 2 hay 5 ngày như đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).
Vốn mọi người vẫn tưởng chỉ nghỉ 2 ngày vì dịp lễ không gắn với cuối tuần, nhưng phương án hoán đổi ngày làm việc đang được lấy ý kiến khiến cho con số cuối cùng vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi thế, ngoài việc mong ngóng cơ quan chức năng “chốt lịch” để kịp lên kế hoạch, những tranh cãi xung quanh việc nên chọn phương án nào cũng chưa chấm dứt.
Về chuyện nghỉ ngắn hay nghỉ dài tốt hơn, mỗi người sẽ có cách nhìn nhận riêng xuất phát từ nhu cầu và đặc thù công việc, cuộc sống của mình, ai cũng đều có lý. Những tranh cãi sẽ là không cần thiết, mọi người đều có thể chủ động lập kế hoạch sử dụng kỳ nghỉ phù hợp với mong muốn của mình nếu có lịch cố định, không cần mong ngóng cơ quan chức năng thông báo từng năm.
Điều đó hoàn toàn khả thi, cho dù khái niệm “cố định” ở đây không có nghĩa là năm nào cũng nghỉ số ngày như nhau, mà là người dân chỉ cần dựa vào quy định hiện hành để tự tính ra mình được nghỉ mấy ngày, là những ngày nào, tính trước cả chục năm cũng được miễn là quy định chưa thay đổi.
Mọi người đều có thể chủ động lập kế hoạch sử dụng kỳ nghỉ phù hợp với mong muốn của mình nếu có lịch cố định. (Ảnh: Minh Đăng)
Nếu Nhà nước có chủ trương kích cầu du lịch và tiêu dùng bằng cách tạo ra các đợt nghỉ dài qua việc hoán đổi ngày làm việc, hãy đưa ra công thức xác định số ngày nghỉ lễ nhằm đảm bảo 30/4-1/5 năm nào, người lao động cũng được nghỉ 4-5 ngày liên tiếp.
Rất đơn giản. Trường hợp 2 ngày lễ này liền kề trước hoặc sau dịp cuối tuần (tức nhằm vào thứ 2, thứ 3 hoặc thứ 5, thứ 6) thì đương nhiên người lao động được nghỉ 4 ngày, không cần hoán đổi. Trường hợp dịp lễ này nhằm vào thứ 3, thứ 4 hoặc thứ 4, thứ 5, ngày làm việc nằm giữa dịp lễ và đợt cuối tuần gần nhất sẽ được tự động hoán đổi, kỳ nghỉ sẽ kéo dài 5 ngày.
Nếu dịp lễ trùng hoàn toàn với 2 ngày cuối tuần, chỉ cần nghỉ bù bằng 2 ngày gần với nó (trước hay sau thì các cơ quan chức năng cân nhắc quy định cụ thể).
Tương tự, cũng cần quy định cụ thể sẽ nghỉ bù trước hay sau nếu dịp lễ trùng với 1 ngày cuối tuần (1/5 nhằm vào thứ 7 hoặc 30/4 nhằm vào Chủ nhật).
Chỉ cần có công thức, mọi cá nhân hay cơ quan, doanh nghiệp đều có thể chủ động lập kế hoạch cho các công việc, dự án của mình trước cả năm, ít bị đảo lộn bởi một quyết định đột ngột kiểu “sẽ nghỉ 5 ngày thay vì 2 ngày”. Sẽ không có chuyện mọi thứ đang vận hành theo kế hoạch bỗng khựng lại và người ta phải nháo nhào tìm cách đối phó với sự thay đổi.
Sự ổn định này cực kỳ có lợi cho việc phát triển du lịch. Phía cung cấp dịch vụ chủ động, yên tâm xây dựng các chương trình kích cầu, khuyến mãi, tính toán nhu cầu và chuẩn bị đáp ứng. Các hãng bay tính toán hợp lý về giá vé cho từng thời điểm và du khách cũng có thể dựa vào các yếu tố đó để xác định mình có thể lựa chọn những tour du lịch nào, mua vé bay của hãng nào, dùng gói dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp đến đâu…
Ở các nước phát triển, các chuyến du lịch, nghỉ dưỡng của người dân thường được chuẩn bị trước nhiều tháng, thậm chí cả năm. Nhờ đó, họ sẽ có chuyến đi chất lượng cao nhất với chi phí hợp lý nhất. Các ngành kinh doanh dịch vụ liên quan cũng thu lợi nhuận tốt nhất do những rủi ro được giảm thiểu. Những mắt xích này tương tác một cách nhịp nhàng giúp cả hệ thống vận hành trơn tru, ít hao phí.
Hy vọng ý kiến này được các cơ quan chức năng ghi nhận và xem xét, để không còn cảnh mỗi năm ra Tết, người dân lại hỏi nhau dịp 30/4-1/5 sẽ được nghỉ mấy ngày.
Nếu vẫn áp dụng cơ chế năm nào xét năm đó như hiện nay, hy vọng các cơ quan chức năng đề xuất và lấy ý kiến sớm để có quyết định cuối cùng trước kỳ nghỉ ít nhất vài tháng, tránh “nước đến chân mới nhảy”, khiến cả người lao động lẫn người sử dụng lao động, cả du khách lẫn doanh nghiệp du lịch đều bị động như năm nay.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.