Sáng 21/7, tại Hà Nội, diễn ra lễ khai mạc Triển lãm "Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại".
Sự kiện do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.
Tham dự buổi triển lãm có ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Trần Đức Thành, Giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC; ông Lê Triều Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương; bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.
Ngoài ra, còn có sự tham dự của ông Yaron Mayer - Đại sứ Israel tại Việt Nam; ông David Payne - cố vấn cao cấp, Phó trưởng đại diện Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Các đại biểu ấn nút khai mạc triển lãm.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định: Tiêu dùng xanh, sống xanh đã và đang là xu thế phát triển trong thời gian vừa qua và được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Do đó sản xuất xanh giúp các doanh nghiệp đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, tạo ra sự tăng trưởng đáng kể cho kết quả kinh doanh.
"Doanh nghiệp có thể đẩy mạnh tạo lập giá trị thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua các cam kết về trách nhiệm với xã hội và môi trường, đặt vấn đề về sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của phát triển sản phẩm", ông Hiển nhấn mạnh.
Ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khẳng định sẽ nỗ lực tuyên truyền hiệu quả, nâng cao nhận thức của DN, người tiêu dùng trong sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững.
Cũng tại buổi lễ khai mạc, ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương cho biết, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó quy định nhiều nội dung liên quan đến sản xuất tiêu dùng bền vững. Đây là lần đầu tiên văn bản luật của Việt Nam đưa ra định nghĩa về tiêu dùng bền vững, khẳng định tầm quan trọng của tiêu dùng bền vững đối với các mục tiêu phát triển của đất nước. Các quy định này sẽ là căn cứ pháp lý để thúc đẩy, tạo điều kiện khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Ông Lê Triệu Dũng – Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) phát biểu tại sự kiện
"Nằm trong khuôn khổ hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2023, hôm nay Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp đài Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức triển lãm Tiêu dùng xanh - Cùng sống lành. Triển lãm sẽ trưng bày, giới thiệu các mô hình thực tiễn về sản xuất bền vững, chia sẻ, hướng dẫn thực hành về tiêu dùng bền vững, đồng thời tổ chức các phiên trao đổi, thảo luận mở để nâng cao nhận thức và tăng cường hành động của toàn thể xã hội đối với hoạt động sản xuất tiêu dùng bền vững. Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tăng cường kết nối kinh doanh, người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm thực tiễn các sản phẩm tiêu dùng bền vững. Và các cơ quan quản lý, các tổ chức, các hiệp hội có sự trao đổi, chia sẻ, đề xuất các giải pháp sáng kiến để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững", ông Dũng phát biểu.
Ông Trần Đức Thành, Giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC (thứ hai từ phải sang) tham dự lễ khai mạc triển lãm.
Tại lễ khai mạc cũng diễn ra hội thảo “Xây dựng ý thức cộng đồng hướng tới tiêu dùng bền vững” gồm nhiều đại biểu, chuyên gia cùng thảo luận các vấn đề về xu hướng sản xuất tiêu dùng, bền vững tại Việt Nam, rác thải nhựa và những vấn đề cảnh báo; về vai trò của hệ thống phân phối hiện đại trong thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững…
Tại buổi lễ khai mạc cũng diễn ra hội thảo “Xây dựng ý thức cộng đồng hướng tới tiêu dùng bền vững”.
Đặc biệt, triển lãm dự kiến có hơn 30 gian hàng, quy tụ hơn 20 doanh nghiệp, đơn vị đến từ trong và ngoài nước, thu hút khoảng 25.000 lượt người tham quan.
Bên lề triển lãm còn diễn ra hội thảo “Vai trò công nghệ trong tiêu dùng bền vững” cũng sẽ tập trung vào thực trạng chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu Việt hay khát vọng đưa tri thức Việt vào sản phẩm xanh.
Các hoạt động bên lề như: Sống xanh cùng giới trẻ, Sản xuất xanh vì người tiêu dùng cũng được kỳ vọng thu hút nhiều giới trẻ tham gia với những hoạt động bảo vệ môi trường, phong cách sống xanh…
Triển lãm dự kiến có hơn 30 gian hàng, quy tụ hơn 20 doanh nghiệp, đơn vị đến từ trong và ngoài nước, thu hút khoảng 25.000 lượt người tham quan.
Cam kết đồng hành cũng chương trình, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kêu gọi cộng đồng xã hội, người tiêu dùng và doanh nghiệp Thủ đô cùng lan tỏa những hành động thiết thực để đẩy mạnh xu thế tiêu dùng xanh. Trong đó thống nhất nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về xu thế phát triển bền vững; Thực hành lối sống bền vững bằng thay đổi thói quen hàng ngày như đi lại, chế độ ăn uống và mua sắm để cùng đạt được mục tiêu "không rác thải".
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kêu gọi người dân và DN Thủ đô cùng lan tỏa những hành động thiết thực để đẩy mạnh xu thế tiêu dùng xanh.
“DN và người tiêu dùng Thủ đô hưởng ứng phong trào sống xanh, sử dụng và phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường. Cùng với đó, xây dựng mẫu hình sản xuất bền vững qua thực hành sản xuất sạch, thiết kế sản phẩm bền vững, sản xuất các sản phẩm thông minh, không chất thải, sản phẩm xanh, sản phẩm có thể quay vòng, sử dụng lại đảm bảo tiêu chuẩn nhãn sinh thái”, bà Lan nói.
Một gian hàng tại triển lãm.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Triển lãm “Tiêu dùng xanh - cùng sống lành”.
Theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Để cạnh tranh, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” hiện có mức tăng trưởng chỉ khoảng 4%/năm.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau tạo thành phong trào sản xuất các sản phẩm hữu cơ và phát triển rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, sự xuất hiện của sản phẩm xanh trong hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam vẫn còn chừng mực và khiêm tốn.