Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam, chia sẻ với VTC News về những đổi mới trong thị trường kinh doanh đa cấp, bên thềm Tọa đàm “Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam”.
Bà Nhi nói: “Hiệu quả và hoạt động kinh doanh đa cấp ngày càng đi vào thực tiễn với đúng bản chất kinh doanh tốt đẹp của nó. Lợi ích của các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã và đang được bảo vệ minh bạch hơn. Báo cáo của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng khẳng định tỷ lệ nghịch giữa tăng trưởng doanh thu bán hàng đa cấp và biến động số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên thị trường đã phần nào phản ánh được sự phát triển dần đi vào chiều sâu và chất lượng của lĩnh vực kinh doanh đa cấp tại Việt Nam trong giai đoạn qua”.
- Nhưng vẫn còn những doanh nghiệp không phép, hoạt động chui, kinh doanh bất chính?
Đúng vậy. Hiện nay tình trạng kinh doanh đa cấp biến tướng, tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp.
Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam.
Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Do có người dân, nhất là những người trẻ phải tự nhận diện để bảo vệ chính mình.
- So với trên thế giới thì ở Việt Nam, hoạt động kinh doanh đa cấp có gì khác biệt không, thưa bà?
Hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam cũng không khác biệt gì nhiều. Trên thế giới và Việt Nam đều có sự tương đồng về phương thức tiếp thị theo mạng lưới người tham gia hay còn gọi là net work maketing hoặc directselling.
- Người dân khi muốn tham gia bán hàng đa cấp thì làm thế nào để tìm được địa chỉ đáng tin cậy?
Những doanh nghiệp hội viên hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, trên app IMLM của hiệp hội (Information on Multi-level Marketing) và trên website hiệp hội là info@mlma.org.vn.
- Những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp uy tín cũng cần làm gì đó để bảo vệ thương hiệu của mình cũng như góp phần bài trừ bán hàng đa cấp bị biến tướng?
Hoạt động kinh doanh đa cấp ngày càng đi vào thực tiễn với đúng bản chất kinh doanh tốt đẹp của nó.
Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam.
Doanh nghiệp cần chủ động công tác tuyên truyền và phối hợp với hiệp hội để tuyên truyền cho người tham gia và người tiêu dùng phân biệt rõ các quy định pháp luật và các mô hình biểu hiện bất chính .
Xây dựng kế hoạch phân phối và đào tạo người tham gia một cách chuyên nghiệp và có biện pháp triển khai giám sát một cách chặt chẽ.
Có sự đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo để kịp thời thông tin và phát hiện các trường hợp sai phạm, các cá nhân bất tuân gây ảnh hưởng đến bản chất và giá trị của ngành bán hàng đa cấp. từ đó kiến nghị và phối hợp với cơ quan chức năng xem xét xử lý đảm bảo hành lamg pháp lý minh bạch, nghiêm túc.
- Thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển lĩnh vực kinh doanh đa cấp, hiệp hội có những bước chuẩn bị thế nào để có thể tận dụng dư địa này một cách tốt nhất?
Đại hội nhiệm kỳ III (2020-2025) của IMLM đã được tổ chức thành công vào cuối năm 2020, đó như một mốc son với ngành kinh doanh đa cấp tại Việt Nam. Trong đại hội vừa qua, IMLM đã đề ra những mục tiêu chính nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh đa cấp, cụ thể:
Hiệp hội sẽ cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đẩy mạnh các hoạt động quảng bá các sản phẩm, doanh nghiệp thương hiệu Việt, thông qua kênh bán hàng đa cấp để đến với các nước trên thế giới.
Hiệp hội coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhất là khi chính phủ có nhiều cơ chế trong hội nhập thương mại; vị thế, cơ đồ của Việt Nam trên trường thế giới ngày càng được khẳng định với nhiều yếu tố, thành quả bền vững và tích cực; các hoạt động xã hội hóa ngày càng chú trọng…đó cũng là việc góp phần kiến tạo nên giá trị các sản phẩm thương hiệu Việt thông qua hoạt động kinh doanh đa cấp.
Đồng thời, IMLM sẽ tăng cường các hoạt động nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Theo thống kê của IMLM, tính đến hết 2020, cả nước có 22 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh đa cấp, giảm mạnh so với con số 67 doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm 2015. Đáng nói, dù chỉ có 22 doanh nghiệp tham gia kinh doanh đa cấp nhưng tính đến hết tháng 6/2020, tổng doanh thu bán hàng đa cấp trên toàn thị trường đạt khoảng 6.776 tỷ đồng, bằng 54% doanh thu của năm 2019. Điều này đã khẳng định tính hiệu quả và hoạt động kinh doanh đa cấp ngày càng đi vào thực tiễn.
Không chỉ giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn khó khăn mà xu hướng tăng trưởng mức hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà do các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam giai đoạn 2015-2019 cũng tương đồng với xu hướng tăng trưởng doanh thu bán hàng đa cấp. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này là hơn 12% đạt giá trị gần 4.000 tỷ đồng năm 2019. Tỷ lệ hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế trong giai đoạn 2015-2019 thường chiếm trung bình khoảng 34% trong tổng doanh thu bán hàng đa cấp của toàn thị trường.