Theo ông Trinh trong 5 năm liên tục từ 2014 đến 2018, các đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế có những tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và chất lượng huy chương theo hướng kết quả năm sau cao hơn năm trước (so với giai đoạn 5 năm trước đó từ 2009-2013, tổng số huy chương tăng 37, trong đó số huy chương Vàng tăng gấp 3 lần).
Điều đáng nói hơn là học sinh có mặt trong đội tuyển quốc gia và lập thành tích xuất sắc tại các Olympic khu vực và quốc tế được rải đều ra trên phạm vi toàn quốc, không chỉ tập trung ở các trường chuyên thuộc trường đại học ở đô thị lớn hoặc các một vài trường THPT chuyên bề dày thành tích như nhiều năm trước đây. Trong đó, nhiều em đoạt giải cao là học sinh nghèo vượt khó, bố mẹ là người lao động bình thường, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cũng thừa nhận trong tổ chức thi vẫn còn có hạn chế: một số đơn vị mời các thầy cô giáo hoặc đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi, gây ra thắc mắc hoặc băn khoăn, nghi ngại trong dư luận về tính khách quan, công bằng của công tác tổ chức thi và kết quả thi.
Do đó, Bộ GD&ĐT đã thực hiện các giải pháp đổi mới trong tổ chức thi nhiều năm qua, nhất là ở các năm 2018, 2019 để khắc phục tình trạng này.
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua đã có nhiều sai sót.
Không cử người tham gia dạy đội tuyển vào hội đồng ra đề
Những giải pháp mà ông Trinh đưa ra để khắc phục những băn khoăn, nghi ngại của dư luận về chất lượng của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, nhất là những sai sót, hạn chế đã được thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ ra trong năm 2015, 2016, 2017, bắt đầu từ năm 2018 là tăng cường huy động các cán bộ trẻ, được đào tạo ở nước ngoài, ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tại các vùng miền khác nhau trên cả nước tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi.
Bên cạnh đó, hạn chế đến mức tối đa việc mời cán bộ, giáo viên, giảng viên đã nghỉ hưu giới thiệu đề đề xuất và tham gia các Hội đồng ra đề thi, chấm thi.
Đồng thời quán triệt nguyên tắc không cử những người dạy cho các đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia của các địa phương năm tổ chức thi tham gia hội đồng ra đề để dần khắc phục tình trạng các địa phương tập trung về Hà Nội hoặc tìm mời các chuyên gia ôn tập, luyện thi gây ảnh hưởng xấu trong dư luận về tính khách quan, công bằng của kỳ thi.
Năm 2019, Bộ không mời người dạy cho các đội tuyển dự thi năm nay tham gia ra đề thi.
Trước câu hỏi làm thế nào để biết được ai là người tham gia dạy cho các đội tuyển, ông Trinh cho hay, trước hết là Bộ căn cứ trên tính tự giác của các thầy cô. Thứ hai là qua nhiều kênh thông tin để nắm bắt tình hình thực tế thì cũng sẽ biết được ai là người tham gia giảng dạy, ôn luyện cho các đội tuyển.
Mặt khác, Bộ cũng mở rộng thành phần ra đề đề xuất như mời các chuyên gia trên phạm vi cả nước, các giáo viên của các trường THPT chuyên. Đề đề xuất do tự tay chuyên gia, giáo viên giới thiệu niêm phong gửi đến được bảo quản theo chế độ MẬT tại thùng sắt niêm phong ở Cục Quản lý chất lượng và được bàn giao cho Hội đồng ra đề thi tại khu vực cách ly tuyệt đối còn nguyên niêm phong;
Khâu soạn thảo đề thi và sử dụng đề đề xuất liên tục được cải tiến để đảm bảo khách quan, công bằng; các đề đề xuất được sử dụng không tập trung vào một số cá nhân. Sử dụng ý tưởng của đề đề xuất, các thành viên Hội đồng ra đề thi tại khu vực cách ly biến đổi ít nhất là 70% đề gốc để hình thành đề thi chính thức và dự bị cho kỳ thi. Đề thi chỉ trở thành đề thi chính thức và dự bị cho mỗi kỳ thi khi được các thành viên của tổ soạn thảo xây dựng, phản biện độc lập và thống nhất ký vào biên bản trình lãnh đạo Hội đồng ra đề phê duyệt.
Siết chặt công tác coi thi, chấm thi
Về công tác coi thi, ông Trinh cho hay, công tác coi thi được thực hiện theo nguyên tắc huy động cán bộ, giáo viên từ ít nhất 2 địa phương khác về làm nhiệm vụ tại Hội đồng coi thi của mỗi địa phương, đơn vị.
Các khâu làm phách, chấm thi, nhập điểm và xét giải được thực hiện theo hướng tách bạch với sự phân công phân nhiệm cụ thể giữa cán bộ tham gia làm phách và cán bộ phụ trách chấm thi.
Công tác chấm thi thực hiện nghiêm ngặt theo Quy chế thi thi; khâu chọn người tham gia chấm thi cũng tách bạch giữa những người soạn thảo đề thi và người chấm thi (người làm tổ trưởng ra đề thi thì không làm tổ trưởng chấm thi); các thành viên tham gia chấm thi được chọn như quy trình soạn thảo đề thi; không có giáo viên THPT chuyên tham gia chấm thi.
Việc chấm thi các môn thi được thực hiện tập trung tại Hội trường có camera giám sát 24h/24h, dữ liệu được lưu lại 12 tháng để cần thiết có thể xem lại toàn bộ quá trình chấm. Cán bộ Công an và Thanh tra giám sát liên tục quá trình chấm thi;
Thực hiện việc duyệt giải theo số phách do tổ chấm đề nghị, lãnh đạo phụ trách chấm thi tập hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt kết quả theo số phách.
Sau khi được lãnh đạo Bộ phê duyệt, Hội đồng kiểm dò và khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi để đảm bảo kết quả thi chính xác rồi mới tiến hành ghép phách bài thi, chiết xuất kết quả từ phần mềm quản lý thi và công bố kết quả Kỳ thi;
Sau khi công bố kết quả, các thí sinh có nguyện vọng phúc khảo nộp đơn phúc khảo bài thi theo quy định của quy chế và hướng dẫn tổ chức thi hằng năm. Cục tổng hợp số lượng phúc khảo theo môn, trình Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng phúc khảo để triển khai chấm phúc khảo bài thi của kỳ thi theo quy định của quy chế thi.
Bộ đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn học sinh giỏi để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ông Trinh cũng cho hay với những thí sinh theo kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT là có sai sót trong cộng điểm thì đã được thực hiện theo đúng quy định là trả lại điểm thực cho các em.
Theo ý kiến của một số lãnh đạo trường chuyên tại các địa phương, hiện tại quy chế thi học sinh giỏi quốc gia của Bộ GD&ĐT không có “vùng” cấm đối với giáo viên, giảng viên tham gia dạy đội tuyển và tham gia ra đề thi. Vì vậy, mà thời gian trước đây (như kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT), chuyện giảng viên, giáo viên một mình “diễn 2, 3 vai” là bình thường.