Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Rượu bia ảnh hưởng thế nào đến kỹ năng lái xe?

(VTC News) -

Lái xe đòi hỏi sự ứng phó, thay đổi nhanh nhạy và bạn cần phải đưa ra cảnh báo, quyết định nhanh chóng, chuẩn xác vào mọi lúc, mọi nơi.

Việc uống rượu bia có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bất kỳ hoặc tất cả kỹ năng lái xe quan trọng, có thể gây tai nạn, ảnh hưởng đến sự an toàn của con người.

Mất tập trung điều khiển phương tiện

Các chuyên gia về y tế và sức khỏe cho rằng, ngay cả một lượng nhỏ rượu bia vào cơ thể cũng có thể làm giảm khả năng tập trung vào nhiều công việc cùng một lúc của người điều khiển phương tiện giao thông như quan sát xe xung quanh, làn đường, giữ tốc độ, đảm bảo khoảng cách...Khi chịu tác động của rượu bia, người điều khiển phương tiện chỉ tập trung được vào một hành động và rất có thể sẽ xảy ra một vụ va chạm không mong muốn.

Trên thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông là kết quả của một người lái xe say xỉn bị phân tâm hoặc có thời gian tập trung ngắn.

Đã uống rượu bia không được lái xe. (Ảnh minh họa)

Phán đoán tình huống thiếu chính xác

Rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng hiểu đúng hoặc diễn giải các biển báo, tín hiệu và tình huống giao thông mà mỗi lái xe cần phản hồi nhanh để đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường. Khi say, tài xế dễ bị nhầm lẫn hoặc không thể phản ứng trong trường hợp khẩn cấp.

Mất kỹ năng phối hợp các động tác

Uống rượu có thể ảnh hưởng đến cả kỹ năng vận động tinh tế như quan sát và vận động thô của lái xe. Ngoài ra, việc sử dụng rượu bia rồi lái xe sẽ khiế tài xế khó phối hợp mắt - tay - chân, ảnh hưởng lớn đến thời gian phản ứng và khả năng phản ứng trước một tình huống cụ thể.

Giảm kiểm soát và mất tầm nhìn

Rượu bia có thể làm giảm khả năng kiểm soát chuyển động của mắt và giảm tầm nhìn. Nghiên cứu cho thấy rằng người lái xe sau khi sử dụng rượu bia có xu hướng tập trung vào một điểm duy nhất trong một thời gian dài và do đó ít nhận thức được các khu vực ngoại vi quan trọng. 

Rượu bia cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phán xét chiều sâu và khoảng cách của tài xế. Do vậy, người điều khiển phương tiện cũng có thể thấy mình lái xe với tầm nhìn mờ, không rõ ràng.

Thời gian phản ứng chậm

Các nghiên cứu cho thấy dưới ảnh hưởng của rượu, lái xe không thể phản ứng lại với kích thích nhanh như khi họ tỉnh táo. Thời gian phản ứng có thể giảm xuống 15 - 25%. Thời gian phản ứng giảm có thể dẫn đến tai nạn và va chạm liên quan đến thương tích hoặc thậm chí tử vong.

Rượu có thể làm giảm khả năng phán đoán vị trí của lái xe khi đang trên đường, cũng như vị trí của đường trung tâm, biển báo và các phương tiện khác xung quanh.

Do đó nếu đã uống rượu bia và các thức uống có cồn khác thì không được tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Cách tốt nhất là hãy nhờ một người khác lái xe hoặc đi taxi, xe ôm để về nhà. Điều này vừa tạo nên sự an toàn cho bản thân tài xế và cả những người xung quanh.

TS. Luật Sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) cho biết, căn cứ quy định tại Điều 5, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Tin mới