Video: Rừng ở Đắk Nông bị 'cạo trọc'
Tình trạng di cư tự do tại Tây Nguyên nói chung và tại tỉnh Đắk Nông nói riêng đang gây áp lực lớn, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Quá trình di dân buộc người dân tìm vào các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ… phá rừng, lấn đất sản xuất, lập bon sinh sống.
Phóng viên VTC News đã đến huyện Đắk Song (Đắk Nông) nhìn thấy hàng trăm hecta rừng bị tàn phá, lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên, chủ rừng vẫn lay hoay, không có hướng xử lý.
Phía sau tấm bảng hiệu “cấm phá rừng” ở khoảnh 9, tiểu khu 1104 (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) là ngổn ngang khoảng rừng bị tàn phá nghiêm trọng với dấu hiệu rất mới.
Con đường mòn dẫn vào khu rừng, xung quanh là những cây gỗ vừa bị đốn hạ một cách không thương tiếc.
Các diện tích rừng ở khu vực có rất nhiều địa điểm bị tàn phá, rất nhiều cây có đường kính lớn bị đốn hạ và đốt cháy đen, nhiều khoảnh rừng có cây cối bị đốn hạ. Xen kẽ với đó là những rẫy cà phê, hồ tiêu, nhà gỗ mọc lên. Ước tính diện tích bị tàn phá lên đến hàng trăm hecta rừng.
Theo tìm hiểu, diện tích rừng bị xâm chiếm do Công ty Đức Hòa quản lý tính đến nay khoảng 600ha và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Không những thế, xung quanh khu vực, có rất nhiều khoảnh rừng bị tàn phá với dấu hiệu cũ hơn nằm dọc theo đường đi. Điều đáng nói, những khu vực bị phá cách các chốt kiểm soát bảo vệ rừng của chủ rừng không xa.
Tương tự, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng xảy ra tràn lan với diện tích rất lớn do Công ty TNHH MTV Đắk N’tao (Đắk Song, Đắk Nông) quản lý.
Những thân cây lâu năm bị người dân đốn hạ để chiếm đất, làm rẫy.
Chỉ riêng trong năm 2019, tính đến cuối tháng 9, xảy ra 136 vụ phá rừng với diện tích hơn 40,8ha (trong đó ở huyện Đắk G’long là 106 vụ với gần 32ha, tại huyện Đắk Song xảy ra 30 vụ với diện tích rừng bị phá hơn 9ha). Tuy nhiên chỉ có chín vụ phá rừng được chuyển cơ quan điều tra, khởi tố, còn lại chỉ xử phạt hành chính 127 vụ (trong đó chỉ có bảy vụ phát hiện đối tượng). Hơn 4ha rừng bị lấn chiếm trong năm 2019.
Nhiều quả đồi bị người dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào "cạo trọc' để lấy đất làm nương rẫy.
Thậm chí, người dân tập trung xây dựng nhà để sinh sống. Đáng nói, có những hộ dân sau khi chiếm được đất rừng sẵn sàng tự ý viết giấy mua bán cho người khác mà không có cơ quan chức năng nào ở đây can thiệp.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm (từ tháng 12-2019 đến 10-5-2020) trên địa bàn huyện đã xảy ra 150 vụ vi phạm liên quan đến rừng, trong đó có 69 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích hơn 16,1ha, khai thác rừng trái phép bảy vụ với hơn 8m3…trong đó xử lý xử lý hành chính 133 vụ, chuyển hình sự một vụ. Các điểm nóng xảy ra phá rừng thuộc diện tích quản lý của Công ty Đức Hòa và Công ty Đắk N’tao. Đây cũng là hai điểm nóng về khai thác, vận chuyển trái pháp luật
VTC News sẽ thông tin tiếp vụ việc.