Nhóm các nhà nghiên cứu lấy tế bào từ phôi ếch và biến chúng thành cỗ máy có thể được lập trình để hoạt động theo ý muốn. Họ khẳng định chúng sẽ được công nhận là robot sống đầu tiên.
Robot sống được phát triển từ phôi thai ếch.
Trong bài báo khoa học mới đây, nhóm nghiên cứu cho biết, lần đầu tiên loài người có thể tạo ra những cỗ máy lập trình với cấu tạo hoàn toàn sinh học. Chuyên gia Joshua Bongard của Đại học Vermont (Mỹ), người đồng lãnh đạo nghiên cứu cho biết đây là những cỗ máy sống bước ra từ tiểu thuyết, đó không phải là một robot truyền thống hay một loài động vật được biết đến.
Nó có đẳng cấp mới của sự sáng tạo: Một sinh vật có thể lập trình được. Các "xenobots" (cơ quan giả được lập trình) này có thể vận chuyển thuốc trong cơ thể bệnh nhân hoặc làm sạch đại dương. Chúng cũng có thể tự chữa lành cho bản thân khi gặp hư hại.
Các sinh vật mới được thiết kế bằng siêu máy tính và sau đó được chế tạo bởi các nhà sinh học, có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Đồng lãnh đạo sáng chế, Michael Levin đến từ Trung tâm Sinh học Tái sinh và Phát triển thuộc đại học Tufts (Mỹ) cho biết: "Chúng ta có thể tưởng tượng nhiều ứng dụng hữu ích của những robot sống này mà các người máy khác không thể làm như tìm kiếm các hợp chất nguy hiểm hoặc ô nhiễm phóng xạ, thu thập microplastic trong đại dương, di chuyển trong các động mạch để cạo sạch mảng bám".
Sinh vật mới được thiết kế trên các siêu máy tính. (Ảnh cắt từ clip của Đại học Vermont)
Các nhà khoa học cho rằng việc thiết kế robot từ những vật liệu sống như vậy có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong cách sử dụng công nghệ. Các xenobots có thể tái sinh và hoàn toàn phân hủy khi chúng chết. Hơn nữa, chúng có thể tự sửa chữa.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận mối nguy hiểm khi sự phát triển có thể được khai thác vào những mục đích khác, dẫn đến những hậu quả không lường trước.