Ngày 5/11, thông tin nhà sản xuất Rap Việt vi phạm bản quyền hình ảnh, tự ý sử dụng và cắt sửa bức hình của họa sĩ, nhà thiết kế nước ngoài khi chưa mua bản quyền tạo tranh luận. Sáng 6/11, ê-kíp chương trình thừa nhận mắc lỗi, cho biết có sai sót trong khâu thiết kế.
Tuy nhiên, sau khi nhận lỗi, tập 4 chương trình lên sóng tối 6/11 tiếp tục sử dụng hình hiệu và thiết kế vi phạm bản quyền hình ảnh. Ngay lập tức, chuyên gia đồ họa Trương Huyền Đức - người đại diện tại Việt Nam của chủ nhân bức hình bị Rap Việt sử dụng trái phép - tuyên bố sẽ báo cáo kênh YouTube của Rap Việt nếu không xử lý tình huống một cách đúng đắn.
"Thay mặt ông Jasso, tôi yêu cầu phía Rap Việt xóa toàn bộ các video có nội dung vi phạm và công khai xin lỗi các nghệ sĩ bị vi phạm bản quyền", Trương Huyền Đức trả lời Zing.
Khi được yêu cầu bình luận về lời tuyên bố "có sai sót trong khâu thiết kế" của đơn vị sản xuất Rap Việt, Trương Huyền Đức cho biết anh không bình luận độ xác thực về thông tin nguồn gốc hình ảnh. "Nhưng với quy trình sử dụng hình ảnh hiện nay, việc trực tiếp dùng mà không kiểm tra nguồn gốc và bản quyền là sai về cốt lõi hành nghề trong ngành công nghiệp sáng tạo", anh Đức nói.
Theo anh Đức, tất cả nghệ sĩ, nhà thiết kế, chuyên gia sáng tạo nội dung tại Việt Nam đã hiểu rõ quy trình trên. Hoặc các đơn vị không chuyên có thể tham khảo ý kiến của bất cứ agency (đơn vị dịch vụ) hay các nghệ sĩ khác.
Trương Huyền Đức nói thêm với Zing: "Mọi sơ sót đều sẽ bị trả giá, vấn đề bản quyền là vấn đề quy trình cơ học, việc kiểm tra, rà soát bản quyền, đồng thời yêu cầu bên thiết kế chứng minh đã có quyền sử dụng hình ảnh bằng các giấy tờ có liên quan là chuyên môn trực tiếp của sản xuất".
Theo anh Đức, nhà sản xuất của Rap Việt từng kiện Spotify về vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc. Điều này chứng tỏ nhà sản xuất am hiểu vấn đề bản quyền, và thực hiện nghiêm túc khi họ là người nắm bản quyền. Tuy nhiên, ở tình huống hiện tại, đơn vị sản xuất lại có động thái thờ ơ, tắc trách với việc tôn trọng bản quyền của nghệ sĩ nước ngoài.
Khác với vi phạm của Spotify với phía Rap Việt (đăng tải nguyên vẹn, không cắt sửa), ê-kíp thiết kế Rap Việt đã lựa chọn tác phẩm của nhiều nghệ sĩ khác nhau, từ nhiều nguồn khác nhau để sử dụng trái phép. Điều này khiến sự việc có tính chất khác biệt.
Hiện đã phát hiện nhóm thiết kế của Rap Việt sử dụng trái phép 4 tác phẩm đồ họa của chuyên gia nước ngoài. Các tác giả đã biết đến sự vụ, trong đó tác giả của ảnh nền thành phố 3D được dùng làm hình hiệu cho chương trình nói hình ảnh này đã thuộc về tập đoàn Lenovo.
"Phía Rap Việt hiện không chứng minh được có tồn tại một trang website cho tải ảnh nguồn miễn phí, đồng thời có chứa tất cả hình trên", anh Đức nói thêm với Zing.
Hai trang duy nhất hiện có thể tìm kiếm được các bức hình trên là Pinterest và Google Images. Tuy nhiên, đây là công cụ tìm kiếm và lưu trữ hình ảnh thông thường, không có chức năng triển lãm hay mua bán, trao đổi ký gửi tác phẩm.
Một trang khác có thể tìm thấy các tấm ảnh nền bị sử dụng trái phép trên là Artstation. Đây là trang web dùng để triển lãm các tác phẩm do chính nghệ sĩ đăng tải. "Trong trường hợp này, nhà sản xuất game show càng không có quyền sử dụng bức ảnh", đại diện của họa sĩ, nhà thiết kế Jasso cho hay.
Chuyên gia thiết kế đồ họa Huyền Đức đưa thêm quan điểm: "Vì vậy, đến thời điểm này, các thông cáo báo chí của nhà sản xuất chỉ mang tính đối phó tạm thời, không hề xin lỗi các bên liên quan trực tiếp, chỉ xin lỗi khán giả. Ngoài ra, về lý thuyết, ông Jasso là trường hợp phía Rap Việt có thể điều đình, mua lại quyền sử dụng, vì tác phẩm vẫn thuộc bản quyền cá nhân của ông ấy. Nhưng có nhiều tác phẩm khác thuộc quyền sử dụng của các tập đoàn lớn mà nhà sản xuất không thể thương lượng".
Rap Việt đã tự ý cắt, sửa stock ảnh của đơn vị phát hành trò chơi Star Citizen, dù chưa trả phí mua bản quyền.
Phổ biến kiến thức về quy trình mua ảnh stock (ảnh nền gốc, có thể dùng để thiết kế đè lên), chuyên gia thiết kế đồ họa Hồ Ánh Hồng Vân cho biết có nhiều website cung cấp stock miễn phí. Nhưng những hình ảnh trên chỉ được sử dụng miễn phí nếu dùng cho mục đích cá nhân. Khi dùng stock cho mục đích thương mại, người làm thiết kế vẫn phải mua bản quyền.
Từ đó, chị Hồng Vân đưa ra ba trường hợp có thể xảy ra khi xuất hiện tình huống vi phạm bản quyền hình ảnh.
Trường hợp đầu tiên là chính người đứng đầu bộ phận hình ảnh yêu cầu nhà thiết kế lấy miễn phí stock để sử dụng cho mục đích thương mại.
"Là ê-kíp sản xuất hình ảnh cho chương trình lớn như vậy, nếu chuyên nghiệp, họ không hỏi giấy phép sao? Giấy phép trong công việc thiết kế quen thuộc như từ 'xin chào'", chị Vân viết.
Chuyên gia thiết kế đồ họa Hồ Ánh Hồng Vân cho rằng nhà sản xuất Rap Việt không nên quy hết lỗi cho bộ phận thiết kế. Ảnh: NVCC.
Do đó, dù người thiết kế có thể "qua mặt" một lượt kiểm tra, họ vẫn phải đối mặt với các cấp quản lý cao hơn và đưa ra giấy phép khi trình duyệt thiết kế.
Trường hợp thứ hai là nhà sản xuất chương trình không đồng ý bỏ tiền mua stock dù đã được đội ngũ thiết kế gửi các trang web có yêu cầu trả phí.
Trường hợp thứ ba được cho là lỗi của người thiết kế. Trong trường hợp này, người thiết kế có thể lấy stock có sẵn và nhận là của mình, hoặc kiểm tra thiếu các hình ảnh cần mua bản quyền.
Trao đổi với Zing về vụ việc của Rap Việt, chị Hồ Ánh Hồng Vân cho rằng có khả năng tổ thiết kế của chương trình không lớn, không có art director (chỉ đạo mỹ thuật) riêng.
Với trường hợp không có art director, bộ phận thiết kế thường được product manager (quản lý dự án, sản phẩm) hoặc marketing lead (người đứng đầu bộ phận marketing) dẫn dắt, kiểm soát. Do đó, việc thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng stock có thể xảy ra với hai tình huống: Ê-kíp thực sự không nắm rõ, hoặc cố tình bỏ qua.
"Nhưng với một chương trình lớn như vậy, tôi không cho rằng họ không biết gì về vấn đề này. Cần quy trách nhiệm là người điều hành dự án, vì hình hiệu của một chương trình tương đương key visual (hình ảnh chủ đạo, điểm nhấn) của một chiến dịch quảng cáo. Vậy làm sao nhà thiết kế có khả năng tự quyết định?", Hồng Vân chia sẻ quan điểm,
Bình luận về khả năng mua được bản quyền các hình ảnh bị vi phạm trước đó, chị Hồng Vân nói: "Việc này tùy vào khả năng thương lượng của ê-kíp sản xuất. Nếu bên nắm giữ bản quyền không bán, họ phải tháo dỡ, xóa các đoạn video có hình ảnh bị vi phạm".
Cuối cùng, thiết kế đồ họa Hồng Vân khẳng định trong mọi trường hợp, không thể đổ hết toàn bộ sai phạm về phía thiết kế: "Trong bộ phận, nhà thiết kế là người ở lớp dưới cùng, họ chỉ làm theo chỉ đạo".
|