Bài phát biểu của người đứng đầu Viettel trong buổi sáng 1/6/2019 bắt đầu với lời cảm ơn. Vào thời điểm Tập đoàn này sẵn sàng bước sang một trang sử mới, ông Lê Đăng Dũng gửi lời cảm ơn đến “tất cả những tập thể và cá nhân đã góp phần tạo nên một Viettel hùng cường ngày hôm nay”.
Và như người đứng đầu Viettel chia sẻ: “Lời cảm ơn chưa bao giờ là đủ, và Viettel hiểu rằng, thước đo thật sự cho lòng biết ơn chính là việc chúng tôi đã hành động và tạo nên điều gì”.
Trên chặng đường phát triển của mình, sau mỗi lần được trao cơ hội, người Viettel không chỉ đón nhận nó mà còn khởi tạo một thực tại mới cho bản thân mình, cho cả ngành mình kinh doanh và cho sự phát triển của đất nước.
Những ngày đầu tiên, khi Bộ Quốc phòng chuyển một số cán bộ kỹ thuật đi làm kinh doanh, Viettel khởi tạo lịch sử của mình bằng sức mạnh cốt lõi là nghề xây cột cao và kéo cáp thuê.
Sau này, nghề xây cột và kéo cáp đã tạo dựng nên một mạng lưới viễn thông khổng lồ của Viettel. Còn giờ đây Viettel đang tiếp tục phát huy ngành nghề truyền thống đó của mình trên toàn cầu.
Những ngày đầu tiên, người Viettel được trao cơ hội xây dựng một đường trục cáp quang Bắc – Nam và họ đã tạo ra kỳ tích khi xây dựng đường trục cáp quang đầu tiên trên thế giới dài 2.000km, với công nghệ thu phát trên cùng một sợi quang.
Đến nay, Viettel có trong tay 4 đường trục Bắc Nam, 1 đường trục Đông Dương và 6 hướng kết nối quốc tế cả trên biển và đất liền với tổng chiều dài là gần 500.000 km, đủ để quấn hơn 12 vòng quanh trái đất.
Nếu những ngày đầu tiên, Viettel chỉ khai thác thiết bị của các nhà sản xuất trên thế giới thì hôm nay Viettel đã làm chủ hầu hết các thành phần của mạng lưới và đang dần thay thế chúng bằng những thiết bị được thiết kế và sản xuất bởi Viettel.
Thành quả đó là lời cảm ơn ngọt ngào nhất đối với những lãnh đạo đã trao cơ hội cho Viettel, dù có lẽ họ cũng không ngờ đến những điều công ty với số vốn ban đầu chỉ 2 tỷ đồng đạt được ngày hôm nay.
Năm 2006, khi cấp giấy phép cho Viettel đầu tư ra nước ngoài, ngành viễn thông của Việt Nam vẫn còn bị đánh giá là lạc hậu. Khi đó, chắc hẳn nhiều lãnh đạo không tin được là một công ty Việt Nam đi ra nước ngoài có thể vượt lên nhiều tập đoàn viễn thông khổng lồ của thế giới trong thời gian rất ngắn.
Thế nhưng, ở Campuchia, với số vốn ban đầu là 1 triệu USD và tổng số tiền đầu tư cho dự án sau đó là 40 triệu USD, Viettel chỉ mất 2 năm kể từ khi cung cấp dịch vụ di động để vượt lên 7 nhà mạng ở xứ chùa tháp, đạt 5 triệu thuê bao và giữ vị trí số 1 với gần 50% thị phần. Có lẽ, ở cả trong mơ cũng không ai nghĩ tới điều này trước đó vì lịch sử viễn thông thế giới chưa từng xảy ra điều tương tự.
Và bây giờ, khi đầu tư vào Myanmar với tổng số vốn hơn 1 tỷ USD, Viettel chỉ mất 6 tháng để đạt được con số 5 triệu thuê bao. Viettel đã vào danh sách 15 nhà mạng có số thuê bao lớn nhất thế giới và đứng vị trí số 1 về thị phần ở 6 quốc gia.
Trước đây, khi được trao cơ hội cung cấp dịch vụ viễn thông, Viettel đã lãnh sứ mệnh kết nối, phục vụ nhu cầu nghe gọi của mọi người dân Việt Nam. Còn ngày ngay, Viettel lại lãnh sứ mệnh tạo dựng hạ tầng siêu băng rộng, giúp kết nối vạn vật và với con người bằng siêu tốc độ.
Rồi tiếp nối của việc phổ cập di động ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Viettel đang tiên phong phổ cập thiết bị số, ứng dụng số…- hay còn gọi là chuyển đổi số không chỉ ở Việt Nam mà ở 10 quốc gia tại 3 châu lục.
Khi ra đời, người Viettel đi làm thuê, và sau đó vươn lên làm chủ, đến nay đã trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, là thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam và là một trong 500 thương hiệu lớn nhất toàn cầu.
Những điều này là lời cảm ơn thiết thực của Viettel với những người đã tạo điều kiện, cùng chung sức xây dựng một Tập đoàn đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam, và đại diện cho một hình ảnh Việt Nam mới đối với thế giới.
Trong lễ kỷ niệm 30 năm diễn ra sáng 1/6/2019, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel – ông Lê Đăng Dũng chia sẻ: “Trách nhiệm của Viettel đã không ngừng lớn hơn và sẽ tiếp tục lớn hơn nữa. Đó chính là lời cảm ơn thiết thực nhất, tấm lòng biết ơn sâu sắc nhất mà Viettel mong muốn gửi tới Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam”.
Người đứng đầu Tập đoàn này cũng như tuyên bố: Viettel một lần nữa “Khởi tạo thực tại mới” – như một lời cám ơn trong giai đoạn phát triển thứ 4 của mình. Đó là sứ mệnh “lãnh ấn tiên phong” trong công cuộc xây dựng xã hội số ở Việt Nam.
Quyền Chủ tịch Viettel cũng đưa cột mốc xác định cho Tập đoàn này: “Chỉ trong vòng 2 năm (2019 và 2020), Viettel sẽ phải thực hiện chuyển đổi số thành công” và nhận xét: “Đây sẽ là cuộc chuyển đổi vĩ đại của Viettel”.