Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quy định bất cập gây thất thoát đất đai, vốn Nhà nước từ cổ phần hóa

(VTC News) -

Sáng 8/6, nhiều Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc việc để thất thoát đất đai, vốn khi chuyển đổi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Mở đầu phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có 79 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) đặt câu hỏi về rà soát sắp xếp xử lý nhà đất, cổ phần hoá nhiều khó khăn, kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp, đặc biệt là xác định lợi thế giá trị, quyền sử dụng đất với đất thuê hằng năm...khi xác định giá trị khởi điểm theo Nghị định 32.

Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cũng đặt vấn đề về vướng mắc trong sắp xếp, xử lý đất đai của doanh nghiệp Nhà nước có diện tích đất lớn, tại nhiều địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM)

Trả lời những câu hỏi này, ông Phớc thừa nhận việc sắp xếp nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong cổ phần hoá. Vừa qua cổ phần hoá chậm cũng do khâu này. Việc phê duyệt phương án của các tỉnh hiện nay chậm, nên cần hoàn thiện luật pháp.

Ngoài ra, COVID-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.

Theo ông, việc sắp xếp nhà đất vào cổ phần hóa, nếu tài sản doanh nghiệp gắn liền với đất thuê hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nếu nộp tiền đất một lần được tính vào giá trị doanh nghiệp là lỗ hổng, cần được kiến tạo để đảm bảo sau khi chuyển sang cổ phần hóa để đất đai không bị thất thoát. 

Việc chuyển mục đích sử dụng đất không theo phương án đã phê duyệt là trái quy định của Luật Đất đai. Bộ trưởng Tài chính dẫn giải tình trạng thất thoát nhiều thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ yếu từ đất như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Tân Thuận. Cốt lõi là chuyển quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khi UBND tỉnh phê duyệt là đất thuê, nhưng doanh nghiệp nộp tiền một lần 50 năm, khi chuyển đổi lại xin chuyển mục đích sử dụng đất, nên đất được tính giá khác và không sát giá thị trường, tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước chuyển sang tài sản tư nhân.

Đất đai toàn dân do Nhà nước đại diện, nên khi doanh nghiệp nhà nước là đất thuê, nếu không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho nhà nước, sau đó đất được tổ chức đấu giá để chênh lệch địa tô không chảy vào túi doanh nghiệp. Việc cổ phần hóa nhằm nâng cao năng lực sản xuất chứ không phải giải tán doanh nghiệp, thu chênh lệch địa tô. 

Do đó, giải pháp trong thời gian tới là việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

"Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Lê Thịnh

Tin mới