Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu dự án sân bay Long Thành

Trong phiên làm việc chiều nay, 26/11, Quốc hội hoàn thành việc biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành.

Với tỷ lệ 435/455 ĐBQH tham gia biểu quyết và tán thành (đạt 90,06%), tỷ lệ không tán thành 2,07% (10 ĐBQH không tán thành), tỷ lệ không biểu quyết (2,07% - 10 ĐBQH không biểu quyết), Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1).

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Theo Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, một trong những vấn đề đáng quan tâm tại báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành trình Quốc hội tại kỳ họp lần này chính là việc Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, thực hiện dự án. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội sẽ thông qua đề xuất này để "đảm bảo tính minh bạch, khách quan và giảm thủ tục, thời gian thực hiện dự án".

Tuy nhiên, đánh giá về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội sẽ không quyết định nhà đầu tư nào làm sân bay Long Thành mà theo Luật, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu dự án này phải sử dụng vốn nhà đầu tư, không bảo lãnh Chính phủ.

Tổng kinh phí xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được dự tính lên đến 16 tỷ USD. Trong bối cảnh ACV là công ty cổ phần, có 95% vốn của Nhà nước và khi thực hiện dự án sẽ vay 28 tỉ USD, nhiều ĐBQH đặt nghi vấn về việc liệu dự án này có tăng nợ công, ảnh hưởng như thế nào đến 95% phần vốn nhà nước? Vấn đề năng lực tài chính của ACV có đủ để thực hiện dự án cũng là câu hỏi được nhiều ĐBQH quan tâm.

Tại các phiên thảo luận trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ nghi ngờ năng lực tài chính của ACV và đề xuất thuê đơn vị tư vấn thẩm định độc lập về tổng mức đầu tư sân bay Long Thành. Theo các ĐBQH, điều này để tránh những băn khoăn về chi phí cho sân bay không được làm rõ, khiến việc triển khai công trình bị chậm, lỡ cơ hội phát triển.

Trong báo cáo giải trình trước Quốc hội vào ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện ACV có khoảng 25.000 tỷ đồng và "khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc gì và chỉ tập trung cho sân bay Long Thành".

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Theo người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải, dù chỉ 8 sân bay có lãi trong 21 sân bay đang quản lý, mỗi năm ACV lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, ACV có nguồn vốn chiếm 37% để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và được hứa sẵn sàng cho vay 5 tỷ USD không thế chấp.

Cũng tại báo cáo, Bộ trưởng Thể khẳng định, hiện nay ACV đã cân đối được 37% vốn để thực hiện dự án giai đoạn 1. Tổng số tiền ACV bố trí vốn chủ sở hữu thực hiện là hơn 36.607 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD). Số vốn còn lại, hơn 2,6 tỷ USD, ACV sẽ đi vay. 

Đào Bích

Tin mới