Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quốc hội nêu 2 lý do chậm giải ngân vốn đầu tư công

(VTC News) -

Quốc hội xác định 2 lý do cơ bản dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong năm 2022.

"Đến thời điểm này, việc giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá là vẫn còn chậm so với yêu cầu. Đây là thực tế và Quốc hội đã rất quyết liệt trong việc chất vấn, giám sát đối với các bộ ngành, địa phương có liên quan", ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trả lời câu hỏi về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Trần Văn Lâm, Quốc hội xác định 2 lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là những khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm

"Công tác giải phóng mặt bằng luôn là thách thức trong việc giải ngân đầu tư công, làm chậm triển khai các dự án. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi Quốc hội đang xem xét sửa luật đất đai, người có đất có xu hướng chờ chính sách mới xem có thay đổi thế nào, làm cộng thêm thách thức trong giải phóng mặt bằng", ông Trần Văn Lâm cho biết.

Nguyên nhân thứ hai nằm ở các quy trình, thủ tục. Cụ thể, việc đấu thầu các dự án cần chấp hành nhiều quy định, tuân thủ các thủ tục, quy trình dẫn đến thời gian kéo dài.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Lâm cũng nhấn mạnh rằng việc giải ngân vốn đầu tư công chỉ chậm về tỷ lệ, một phần do khối lượng vốn lớn hơn so với các năm trước. Do năm 2022 mang tính đặc thù, Chính phủ đồng thời triển khai kế hoạch đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch trung hạn và có chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, tung ra lượng vốn tương đối lớn đầu tư vào các dự án.

"Yêu cầu với công việc rất lớn.Tỉ lệ giải ngân thấp hơn năm trước nhưng nhìn tổng thể giá trị tuyệt đối, về khối lượng vốn giải ngân vẫn cao hơn các năm trước", Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm nói.

Ông Trần Văn Lâm nhấn mạnh đây là nỗ lực rất lớn của nhà nước và các cơ quan chức năng trong bối cảnh đang thực hiện các biện pháp vừa hỗ trợ, kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đồng thời triển khai các biện pháp ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ông Trần Văn Lâm kết luận: "Hi vọng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành với các giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án và cơ chế đặc thù sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công".

Minh Anh

Tin mới