Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quốc hội hành động cùng Chính phủ vượt những 'cơn gió ngược'

(VTC News) -

Hậu quả dịch COVID-19 để lại chẳng khác gì những "cơn gió ngược", nhưng Quốc hội đã phát huy sức mạnh, chung tay hành động cùng Chính phủ làm cho dân giàu nước mạnh.

Không đơn thuần chỉ là cơ quan lập pháp ra chỉ tiêu, Quốc hội đã có những giải pháp riêng của mình, đồng hành rất hiệu quả cùng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tìm ra cách thức để phục hồi và phát triển kinh tế.

 

Sau gần 1 tháng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, ngày 29/4/2021, tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban cần xác định những vấn đề trọng tâm, chiến lược, địa bàn trọng điểm trong các hoạt động song phương và đa phương với một mục tiêu tất cả vì lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, Nhân dân và lấy lợi quốc gia là tối thượng.

Ông cũng lưu ý xây dựng ngoại giao kinh tế lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Chỉ đạo này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trở thành kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội tại nhiệm kỳ khóa XV.

 

Vậy nên, Quốc hội Việt Nam sử dụng hiệu quả kênh ngoại giao nghị viện song phương và đa phương, đẩy nhanh quá trình các nước thông qua các hiệp định thương mại và đầu tư, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nêu dẫn chứng, trong chuyến công tác tại châu Âu hồi đầu tháng 9/2021, bên cạnh công tác ngoại giao vaccine, Chủ tịch Quốc hội đề xuất nhiều biện pháp cụ thể với lãnh đạo các nước châu Âu để tăng cường các biện pháp thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu hiệu quả.

Ông Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn đề nghị lãnh đạo nghị viện của Liên minh châu Âu, lãnh đạo nghị viện của các nước sớm thông qua phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư với mục tiêu xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác toàn diện thương mại và cả về đầu tư, để các nhà đầu tư châu Âu an tâm và được khích lệ khi sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam…

"Nếu như mục tiêu chính trong hoạt động đối ngoại năm 2021 là ngoại giao vaccine thì năm 2022 và năm 2023 trọng tâm của công tác đối ngoại là hỗ trợ công tác phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Túc nói.

Để đạt được mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra, công tác đối ngoại Quốc hội đã tập trung đẩy mạnh và triển khai một cách toàn diện, sâu rộng từ các hoạt động của các lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Thời gian qua, các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tập trung vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Chủ tịch Quốc hội cũng tham dự nhiều diễn đàn thương mại, đầu tư cũng như hợp tác kinh tế với các nước trong các chuyến thăm của mình.

Bên cạnh các thỏa thuận hợp tác nghị viện là những trao đổi, thỏa thuận hợp tác thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa; tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau, tận dụng những ưu đãi của các Hiệp định thương mại tư do song phương, đa phương, qua đó góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.

 

Đơn cử như trong khuôn khổ chuyến thăm Australia và New Zealand - 2 đối tác quan trọng của Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội đã dự 2 diễn đàn về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, 2 diễn đàn về hợp tác giáo dục và chứng kiến lễ ký 22 biên bản ghi nhớ giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo của hai nước…

Ông Nguyễn Túc đánh giá, đối ngoại Quốc hội Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế của ngoại giao nghị viện, vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân để kết nối với cơ quan lập pháp các nước, tạo đồng thuận hỗ trợ về cơ chế chính sách, pháp luật cho các Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh hợp tác, giao lưu, đầu tư vì lợi ích phát triển bền vững.

 

TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - chia sẻ, một trong những ấn tượng của ông đối với nhiệm kỳ này là Quốc hội không còn chỉ xem xét báo cáo, giao chỉ tiêu về các vấn đề kinh tế - xã hội cho Chính phủ mà đã đồng hành cùng Chính phủ trong tìm giải pháp để phục hồi kinh tế.

Theo ông, Hiến pháp nêu Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để làm tốt điều này, mọi quyết sách của Quốc hội phải sát với thực tiễn trong nước và tình hình thế giới, trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học, thực tiễn vững chắc.

Vì vậy, Quốc hội khóa XV tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 nhằm huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước góp phần đóng góp kịp thời vào các quyết sách của Quốc hội.

Thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" và Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững" để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn cao, cung cấp các thông tin hay, định hướng hữu ích, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Túc nhìn nhận, những đề xuất, gợi mở tại các diễn đàn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh, quyết liệt, ứng phó kịp thời, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trên cơ sở phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Ông Túc khẳng định, với các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước "những cơn gió ngược" và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, theo ông Túc, bên cạnh sự tích cực, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Để tiếp tục tìm ra giải pháp tháo gỡ, Quốc hội chọn vấn đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" làm chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra hồi tháng 9 vừa qua.

Ông Túc rất tâm đắc với chủ đề này bởi Việt Nam cần tăng cường, phát huy "nội lực", vận dụng, khai thác hiệu quả "ngoại lực" để thích ứng và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.

 

"Chúng ta chiến thắng đại dịch COVID-19 phần lớn việc xây dựng, thúc đẩy nội lực, tinh thần đoàn kết dân tộc. Giờ đây để phát triển kinh tế cũng cần phải khơi gợi sức mạnh nội sinh", Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.

Thông điệp nhất quán được đề cập ở Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 được nhiều đại biểu nhắc tới là "đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó", muốn đi xa trong điều kiện khó khăn, thách thức lớn mà để về đích, hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu 5 năm giai đoạn 2021-2025 càng phải sát cánh, đoàn kết bên nhau, không chỉ đoàn kết trong nước, mà còn phải tăng cường hợp tác đoàn kết quốc tế, khu vực.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải quyết các tồn tại, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cần tích cực, khẩn trương nghiên cứu, căn cứ ý kiến rất tâm huyết, giá trị của diễn đàn nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, căn cơ và phù hợp.

Trong đó, cần tăng cường hơn nữa năng lực về hoàn thiện thể chế, công tác giám sát tổ chức thực thi các chính sách để bảo đảm công khai, minh bạch, trực tiếp đi vào đời sống của người dân.

Theo ông Túc, những nội dung được bàn luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời là thông tin tham khảo kịp thời cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV để các đại biểu cho ý kiến, nhất là về đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023.

 

Nguồn:

Tin mới