Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

‘Quên’ chi trả chế độ dạy học sinh khuyết tật: Hiệu trưởng tại Huế nhận sai

Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) thừa nhận sai sót trong việc chậm triển khai giải quyết chế độ phụ cấp cho giáo viên dạy lớp có học sinh khuyết tật.

Ngày 23/3, thông tin từ Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế), nhà trường vừa tổ chức cho giáo viên kê khai các hồ sơ, thủ tục liên quan để nhận chế độ chi trả cho người đứng lớp có học sinh khuyết tật học theo hình thức hòa nhập, theo quy định hiện hành.

Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế).

Theo Hiệu trưởng Ngô Đức Thức, từ nhiều năm nay, Trường THPT Hai Bà Trưng là một trong những đơn vị giáo dục THPT được Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế giao tiếp nhận học sinh khuyết tật tham gia học tập theo hình thức hòa nhập. Mỗi năm, nhà trường tiếp nhận bình quân khoảng 5 học sinh khuyết tật vào học.

Theo quy định hiện hành, giáo viên tại lớp có học sinh khuyết tật được nhận chế độ phụ cấp, tuy nhiên, Trường THPT Hai Bà Trưng lại “bỏ quên” việc giải quyết chế độ chính sách này trong nhiều năm, khiến giáo viên băn khoăn thắc mắc.

Cụ thể, giáo viên nêu ý kiến, năm học 2020 - 2021, tại một lớp 12 và lớp 10 của Trường THPT Hai Bà Trưng có học sinh khuyết tật, nhưng chỉ một số rất ít giáo viên dạy hai lớp này được nhà trường cho làm kê khai nhận tiền dạy lớp có học sinh khuyết tật hoà nhập của học kỳ 1, riêng học kỳ 2 không được làm. Năm học 2019 - 2020, tại một lớp 11 có học sinh khuyết tật, nhưng giáo viên dạy môn Giáo dục công dân và chủ nhiệm không được nhận chế độ phụ cấp…

Hiệu trưởng Ngô Đức Thức thừa nhận bản thân có sai sót trong việc chậm triển khai giải quyết chế độ cho giáo viên dạy lớp có học sinh khuyết tật.

Từ phản ánh trên của giáo viên, tiếp xúc với PV, ông Ngô Đức Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế), thừa nhận bản thân có sai sót trong việc chậm triển khai giải quyết chế độ cho giáo viên dạy lớp có học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế việc chậm giải quyết này theo ông Thức không hoàn toàn như giáo viên phản ánh đến báo chí.

Ông Thức nêu lý do, từ năm 2020 trở về trước, kế toán nhà trường là một người khác. Nhân viên kế toán này do không nắm rõ các chủ trương, chính sách mới về chế độ phụ cấp dành cho giáo viên nên không tham mưu cho lãnh đạo nhà trường triển khai các thủ tục chi trả cho giáo viên đứng lớp có học sinh khuyết tật học theo hình thức hòa nhập. Riêng bản thân ông Thức là hiệu trưởng cũng thiếu sâu sát về việc này.

“Năm 2020, người này chuyển công tác, phần tồn đọng về giải quyết chính sách cho giáo viên dạy lớp khuyết tật không được bàn giao cho nhân viên kế toán mới để tham mưu triển khai trong toàn trường. Đến thời gian gần đây, nhân viên kế toán mới qua kiểm tra, rà soát các chế độ chính sách dành cho giáo viên đã phát hiện thiếu sót này, nên tham mưu cho lãnh đạo nhà trường tổ chức thực hiện. Đây là cái sai của nhân viên kế toán cũ và bản thân tôi, do thiếu sâu sát”.

Trường THPT Hai Ba Trưng (TP Huế) đã tổ chức cho giáo viên kê khai để chi trả phụ cấp đứng lớp có học sinh khuyết tật kể từ tháng 1/2022.

Ông Thức cho biết thêm, việc giải quyết chế độ giáo viên đứng lớp có học sinh khuyết tật sẽ được thực hiện bổ sung cho tất cả những trường hợp chưa được nhận chi trả kể từ năm học 2020 - 2021 đến nay, giáo viên sẽ được truy lĩnh và bảo đảm quyền lợi khi giảng dạy.

“Hồ sơ thủ tục đang được bộ phận kế toán triển khai làm bổ sung từ năm học 2020 - 2021 trở lại đây cho toàn bộ giáo viên đủ điều kiện nhận phụ cấp, nên không có chuyện giáo viên người đã được nhận tiền, người không được kê khai trong thời gian gần đây”. 

Trao đổi với PV chiều 23/3, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết, việc giải quyết chính sách cho giáo viên dạy lớp có học sinh khuyết tật luôn được Sở phổ biến, quán triệt thường xuyên, yêu cầu thực hiện ở tất cả các trường có đối tượng học sinh này theo học. Đối với việc chậm giải quyết chế độ phụ cấp xảy ra ở Trường Hai Bà Trưng, lãnh đạo Sở sẽ yêu cầu giải trình. Sở cũng sẽ cho rà soát, chấn chỉnh lại tình hình chi trả phụ cấp cho giáo viên dạy lớp có học sinh khuyết tật trong toàn tỉnh, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người đứng lớp.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới