Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quan tham Trung Quốc trốn nã: Người sống xa hoa, kẻ phải đi khuân tử thi

(VTC News) -

Nhiều quan tham Trung Quốc tháo chạy ra nước ngoài với ước mong sống một cuộc sống xa hoa bằng tiền biển thủ, nhưng "đời không phải lúc nào cũng như mơ".

Khi một doanh nhân Trung Quốc bị đối tác kinh doanh kiện biển thủ 50 triệu USD trong một dự án nhà đất tại Florida, Mỹ năm 2015, tung tích của He Yejun - một cựu tham quan Trung Quốc trốn nã hàng chục năm - mới bại lộ. 

Người sống xa hoa...

He vốn là Tổng Giám đốc Tập đoàn Haomen - một trong 500 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất Trung Quốc vào những năm 90. Năm 1999, sau khi biển thủ công quỹ, He ôm tiền cùng vợ sang Mỹ trốn nã. 

Tại Mỹ, He mua ngôi nhà trị giá 2 triệu USD gần Miami, một chiếc xế hộp hạng sang và một du thuyền dài hơn 20 m. 

He và vợ mình nằm trong danh sách 100 tội phạm kinh tế chạy trốn sang nước ngoài Trung Quốc công bố năm 2015. 

Du thuyền của He Yejun ở Mỹ. (Ảnh; NYT)

Người có địa vị cao nhất trong danh sách bao gồm Yang Xiuzhu, cựu phó Thị trưởng Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Bà Yang là chủ sở hữu cả một tòa nhà tòa nhà 5 tầng trên phố 29 Tây, quận Manhattan, New York.

Mỹ được xem là một trong những "miền đất hứa" với các quan tham trốn nã của Trung Quốc cùng với Canada, New Zealand và Australia. Nguyên nhân một phần là bởi 4 quốc gia này không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc do hệ thống luật pháp khác biệt.

"Nhiều tham quan chạy trốn sang các nước khác vì họ có thể ẩn mình sau những quy định phức tạp về dẫn độ và quyền tài phán”, Li Zhimin, cựu phát ngôn viên của lãnh sự quán Trung Quốc tại New York cho hay. 

Các quan chức tham nhũng ở Trung Quốc thường sử dụng các công ty bình phong ở nước ngoài để che giấu tài sản. Yang dùng mánh khóe này để che giấu một phần trong số 30 triệu USD mình nhận hối lộ khi còn tại chức. 

Qiao Jianjun - quản lý một doanh nghiệp dự trữ ngũ cốc ở tỉnh Hà Nam cũng chọn Mỹ là nơi trốn chạy. Qiao bị cáo buộc biển thủ gần 4 triệu USD từ kho dự trữ lương thực lớn nhất Trung Quốc. Khi còn đương chức, Qiao sử dụng tiền của doanh nghiệp để mua bất động sản tại thành phố Monterey, phía đông Los Angeles và chi một khoản tiền cho chương trình hỗ trợ đầu tư nhập cư có tên EB-5, vốn cho phép người nước ngoài đăng ký quốc tịch Mỹ để đổi lấy đầu tư vào các dự án bất động sản nhằm tạo ra việc làm.

Ngôi nhà của Qiao nằm ở khu nhà giàu gần kề với nhà của tỷ phú Mỹ Bill Gate. 

... Kẻ làm phu khuân xác chết

Nhưng không phải tham quan nào trốn ra nước ngoài cũng có cuộc sống hưởng thụ như Qiao hay He.

Wang Guoqiang, từng là bí thư thị xã Phượng Thành, tỉnh Liêu Ninh mang theo số tiền 200 triệu NDT (khoảng 31,5 triệu USD) cùng vợ chạy sang Mỹ hồi tháng 4/2012. 

Dù ôm một núi tiền lớn như vậy, Wang nói bản thân luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

"Tôi sợ phía Trung Quốc sẽ phát hiện và Mỹ sẽ bắt giữ mình. Kết quả là vợ chồng tôi không dám dùng hộ chiếu, không dám đi chữa bệnh khi ốm đau, không dám liên lạc với người thân ở Trung Quốc, không dám liên lạc với bạn học và bạn bè ở Mỹ. Trong 2 năm 8 tháng, vợ chồng tôi trọ tạm ở nhà nghỉ 2 lần. Cả ngày vợ tôi không dám ra ngoài. Chúng tôi chỉ biết loanh quanh trong căn nhà chưa đầy 2 chục mét như một phạm nhân", Vương cho biết.

Sau đó, vợ chồng Wang chuyển tới Nam Califoria và thuê nhà chung với những người khác. Nhưng do một số khách thuê chung không đúng đắn nên vợ Wang rất vợ hãi. Bà này ban ngày trốn trong nhà và chỉ dám ra ngoài vào buổi tối để ra siêu thị mua thức ăn. 

Không thể chịu đựng thêm cuộc sống như cầm tù, năm 2014, Wang tự ra đầu thú sau 2 năm sống chui sống lủi. 

Yang Xiuzhu, cựu phó Thị trưởng Ôn Châu cũng phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ tương tự.

Yang Xiuzhu bị bắt sau 13 năm lẩn trốn. (Ảnh: WSJ)

Trong 13 năm trốn nã, Yang trốn sang Singapore, Mỹ, Hà Lan và các quốc gia khác trước khi chuyển về sống trong một tầng hầm ẩm thấp, tối tăm ở Rotterdam.

Yang nói mình thường xuyên ngồi khóc trong tuyệt vọng và cảm thấy không quá hoảng loạn khi bị cảnh sát Hà Lan bắt giữ.  

Nhưng có lẽ câu chuyện của Yang, Wang còn chưa thê thảm bằng Zuo Tian Zhu, nguyên Cục trưởng Đất đai thành phố Trường Sa - người ôm theo vài triệu NDT chạy trốn sang Mỹ. 

Không nói được tiếng Anh, cũng không tìm được việc làm, bị nhân tình bỏ, Zuo phải tìm tới công việc khuân vác tử thi cho nhà xác của bệnh viện.

Trong khi đó, Hu Xing - nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Vân Nam phải đổi tới 3 khách sạn khi trốn sang Singapore. Y luôn tin rằng có người bám đuôi mình và người này không hề giấu diếm hành tung.

Bất cứ động tĩnh nào xung quanh cũng khiến Hu lo sợ. 

Mọi thứ càng trở nên bất an khi em trai của Hu ở Canada báo tin Trung Quốc cử người sang Singapore để tìm Hu. Hu bắt đầu suy đoán liệu người Trung Quốc cử sang có phải là người đã theo dõi mình bấy lâu hay đó là cảnh sát Singapore. Suy đoán nào cũng khiến Hu hoảng loạn và sống trong sợ hãi một thời gian dài trước khi bị bắt giữ. 

Với 1 triệu USD ôm sang Mỹ, Wang Zhenzhong - cựu Phó Cục trưởng Công an thành phố Phúc Châu, Phúc Kiến mua một căn nhà khang trang ở California và một xe hơi thể thao. 

Nhưng cuộc sống sung túc ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Những người từng bị Wang "tống tiền" hoặc đưa hối lộ cho ông này nhờ xã hội đen ở Mỹ tìm tới địa chỉ mà họ cung cấp để đòi nợ. Các tay "anh chị" còn dọa chặt chân của Wang và người tình của ông này. Cực chẳng đã, Wang phải chia tay người tình trước khi qua đời vì bệnh ung thư. 

Chen Manxiong - cựu quản lý của Tổng công ty Phát triển Công nghiệp Trung Sơn Quảng Đông phẫu thuật thẩm mỹ, tẩy trắng da khi bỏ trốn sang Chiang Mai.

Trước đó, Chen đã làm thẻ căn cước Thái Lan và đổi tên thành Su Thachun. 

Vài ngày trước khi bị bắt, Chen đang đi mua sắm với chồng. Lúc chạm trán cảnh sát, Chen hoảng sợ và ngất xỉu tại chỗ.

Nhưng nói đến cuộc sống nay đây mai đó của quan tham trốn nã phải kể tới Chen Xin, cựu cán bộ chi nhánh Trùng Khánh của Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Trong 68 ngày bỏ trốn, Chen lang thang tới Thành Đô, Quảng Châu, Hải Khẩu, Trạm Giang của Trung Quốc rồi trốn sang 2 quốc gia Đông Nam Á.

Y làm tới 29 căn cước giả. 

"Tôi luôn cảm thấy hoảng sợ. Tôi thực sự cảm nhận được thế nào là cảnh số phận trêu người con người. Tôi biết sớm muộn cũng có ngày bị bắt. Tâm lý và tinh thần của tôi suy sụp hoàn toàn. Hàng chục căn cước trong tay cũng không thể cứu tôi khỏi bể khổ", Chen viết trong cuốn nhật ký ghi lại hành trình trốn chạy của mình. 

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới