Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn báo cáo thương mại năm 2022 cho thấy, lần đầu tiên Mỹ vượt mặt Australia trở thành nhà xuất khẩu thịt bò lớn nhất cho Trung Quốc. Đây được xem là hệ quả từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra trong suốt 4 năm qua.
Xuất khẩu thịt bò của Australia sang Trung Quốc đối với các sản phẩm thịt bò đông lạnh và ướp lạnh là khoảng 185.000 tấn vào năm 2022. Con số này của Mỹ nhỉnh hơn một chút với khoảng 192.000 tấn, bao gồm các sản phẩm ướp lạnh, đông lạnh và cả nội tạng.
Con số trên là mức tăng đáng kể so với 6.000 tấn đến 10.000 tấn thịt bò mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong hai năm 2018 – 2019, ngay trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra. Bắc Kinh buộc phải nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ Mỹ, thịt bò là một trong những lựa chọn.
Thị phần của thịt bò Mỹ ở Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2020. Đến năm 2021, họ đã đuổi kịp Australia.
Thịt bò Australia bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh năm 2020. Australia từng xuất khẩu khoảng 300.000 tấn thịt bò sang Trung Quốc vào năm 2019 trước khi các biện pháp thương mại được áp dụng. (Ảnh: SCMP)
Không chỉ thịt bò, rượu vang và bông thô của Mỹ cũng bắt đầu lấn át sản phẩm của Australia tại thị trường Trung Quốc chỉ trong vài năm.
Cả ba sản phẩm trên đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia sang Trung Quốc trước khi thương chiến Mỹ - Trung diễn ra. Dù không chính thức nhưng kể từ năm 2020, Bắc Kinh đã ngầm hạn chế nhập khẩu thịt bò, rượu và bông từ Canberra ngay sau khi Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Cựu đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoff Raby nói với tờ This Week rằng, sau khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu thịt bò, rượu của Australia, Washington tuyên bố sẽ ủng hộ và sát cánh cùng Canberra. Tuy nhiên Mỹ lại chớp lấy thời cơ giành thị phần của Australia ở Trung Quốc.
Cũng theo ông Raby, chính phủ của cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison trong khi tìm cách lấy lòng Washington thì cũng làm xấu đi mối quan hệ với Bắc Kinh. Hậu quả của hành động này là việc ngành thịt bò và rượu của Australia mất đi thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Ông Raby cho rằng, mong muốn sát cánh cùng Washington trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh đã đẩy Canberra trở thành nạn nhân gián tiếp của cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường.
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia. Năm 2019, Australia xuất khẩu hơn 300.000 tấn thịt bò sang Trung Quốc, trước khi các biện pháp thương mại không chính thức của Bắc Kinh như tạm dừng nhập khẩu thịt bò của quốc gia châu Đại dương từ năm 2020.
Theo SCMP, quan hệ Trung Quốc và Australia có dấu hiệu đang dầm ấm lên vào năm ngoái khi chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese lên nắm quyền. Điều này tăng hy vọng cho các nhà xuất khẩu Australia về khả năng một số “lệnh cấm” nhập khẩu được dỡ bỏ.
Trong một tuyên bố gần đây Thủ tướng Albanese cho biết mối quan hệ Trung Quốc và Australia đã được cải thiện và ông sẽ thăm Bắc Kinh nếu có lời mời.
Ngày 9/3, Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABC rằng, những rào cản hoặc tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Australia dường như đã có sự thay đổi tích cực nhưng quá trình này diễn ra còn chậm.
Theo ông Raby, Australia nên đặt câu hỏi với Mỹ về thị phần ở Trung Quốc sau những cam kết của Washington, đặc biệt liên quan đến cuộc chiến thương mại.
Bình luận về việc Australia mất thị phần thịt bò ở Trung Quốc vào tay Mỹ, Ông Jacob Kirkegaard - chuyên gia kinh tế tại Viện kinh tế quốc tế Peterson nhận định: “Bạn có thể hiểu rằng những đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ đi kèm với điều kiện. Cái giá Australia phải trả là một thỏa thuận ngầm nhường thị phần xuất khẩu ở Trung Quốc cho các nhà xuất khẩu có thế lực chính trị của Mỹ”.
Ông Kirkegaard nói thêm, việc Australia mất thị phần các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở Trung Quốc không đến từ sự thay đổi của một thị trường cạnh tranh thương mại tự do mà nó bị tác động bởi các yếu tố chính trị.
“Australia rõ ràng mong muốn duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, nên rất khó có khả năng Canberra sẽ nêu vấn đề này về mặt chính trị với chính quyền của Tổng thống Joe Biden”, ông Kirkegaard phân tích.
Các chuyên gia nhận định việc Australia mất thị phần các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở Trung Quốc không đến từ sự thay đổi của một thị trường cạnh tranh thương mại tự do mà nó bị tác động bởi các yếu tố chính trị. (Ảnh: Aginfo)
Chuyên gia Stephen Olson, cựu nhà đàm phán thương mại và nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Hinrich, cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn có tác động đến thị phần xuất khẩu của Mỹ ở Trung Quốc, Australia khó có thể phàn nàn Washington về vấn đề này bởi các nước đều đang cạnh tranh lẫn nhau để tăng thị phần xuất khẩu.
Dù vậy ông Olson vẫn cho rằng, những thay đổi chính trị gần đây có thể giúp Australia xoay chuyển cục diện khi quan hệ song phương với Trung Quốc được cải thiện.
“Với quan hệ ngoại giao và thương mại Mỹ-Trung dường như ngày càng xấu đi, xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc một lần nữa có thể vượt qua Mỹ trong các mặt hàng xuất khẩu Canberra đang để mất thị phần”, ông Olson nói.
Andrew Smith, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh nông nghiệp tại Ngân hàng nông thôn Australia, cho biết Australia cũng có thể hưởng lợi từ lệnh cấm xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc mà Brazil tự áp đặt vào tháng trước.
“Điều này có thể có nghĩa là Trung Quốc sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế và có khả năng sẽ tăng nhập khẩu thịt bò Australia hàng tháng nếu lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Brazil tiếp tục”, ông Smith nói.
Ông Smith cho biết Mỹ cũng có thể giảm xuất khẩu thịt bò vào cuối năm nay khi các nhà sản xuất tìm cách xây dựng lại đàn bò, điều này sẽ giúp xuất khẩu của Australia có lợi thế hơn ở thị trường Trung Quốc và một số nước châu Á.