Mỹ và Trung Quốc là 2 cường quốc về kinh tế, quân sự... của thế giới. Do đó, di biến động trong quan hệ 2 nước nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, cộng đồng quốc tế. Cuộc gặp bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình được cho sẽ mở ra những tín hiệu tích cực, hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước.
Loạt tín hiệu tích cực
Đầu tiên, cần phải nhắc đến quan hệ cá nhân giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình khi lãnh đạo Mỹ - Trung đã cho thấy thiện chí, sẵn sàng nói chuyện về các vấn đề 2 bên cùng quan tâm. Sau cuộc hội đàm kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ tại California, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ăn trưa cùng nhau.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty)
Sau bữa trưa kết hợp làm việc, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đi dạo cùng nhau trong khuôn viên mà không có phiên dịch viên đi cùng. Điều này cho thấy những giây phút trò chuyện thân mật, thư thái, nhẹ nhàng của hai nhà lãnh đạo sau nhiều giờ hội đàm.
Tiếp đến, một trong những quan ngại lớn nhất trong quan hệ 2 cường quốc quân sự Mỹ - Trung đó là đường dây liên lạc quân sự. Thời gian qua, Mỹ liên tục đề nghị Trung Quốc nối lại đường dây này, tránh những rủi ro không đáng có. Thế nhưng, điều này đã đượng giải quyết sau cuộc gặp ông Biden - Tập Cận Bình.
Phía Trung Quốc cho biết, 2 nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại các liên hệ quân sự. Ông Biden đã yêu cầu 2 nước thể chế hóa các cuộc đối thoại cấp quân sự và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc khi vị trí này được bổ nhiệm.
Bắc Kinh đã cắt đứt liên lạc quân sự với Trung Quốc vào tháng 8/2022 sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan. Quân đội Mỹ và Trung Quốc đã có một số cuộc chạm trán gay gắt và suýt xảy ra sự cố trong năm qua.
Chưa hết, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc đã đồng ý giải quyết vấn đề liên quan đến nguồn gốc của opioid fentanyl, nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sử dụng ma túy quá liều ở Mỹ. Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ truy lùng trực tiếp các công ty hóa chất sản xuất tiền chất fentanyl.
Nhà Trắng cho biết, các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung “đã có cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng về một loạt vấn đề song phương và toàn cầu, đồng thời trao đổi quan điểm về các lĩnh vực còn khác biệt”.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình gọi quan hệ Mỹ - Trung là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”, đồng thời cho biết ông và Tổng thống Joe Biden “gánh vác trách nhiệm nặng nề đối với hai dân tộc, đối với thế giới và đối với lịch sử”.
“Đối với hai nước lớn như Trung Quốc và Mỹ, việc quay lưng lại với nhau không phải là một lựa chọn. Xung đột và đối đầu sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho cả hai bên”, ông Tập Cận Bình cho hay.
Trong khi đó, ông Biden cho biết, Mỹ và Trung Quốc phải đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa 2 nước “không dẫn đễn xung đột” và quản lý mối quan hệ song phương một cách “có trách nhiệm”. Các vấn đề như biến đổi khí hậu, chống ma túy và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đòi hỏi sự quan tâm chung của 2 nước.
Phái đoàn Mỹ, Trung Quốc hội đàm (Ảnh: Reuters)
Còn nhiều bất đồng
Dù đã có những tín hiệu tích cực song quan hệ Mỹ - Trung vẫn còn rất nhiều bất đồng, khó có thể hàn gắn "ngày một, ngày hai". Theo quan chức Mỹ, trong cuộc hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình nói Đài Loan là vấn đề lớn nhất, nguy hiểm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Ông Biden đảm bảo với ông Tập Cận Bình rằng Washington quyết tâm duy trì hòa bình trong khu vực.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden "ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan", nhấn mạnh việc Trung Quốc thống nhất hòn đảo tự trị này là "không thể ngăn cản".
“Phía Mỹ nên… ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan và ủng hộ sự thống nhất hòa bình của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ thực hiện sự thống nhất và điều này là không thể ngăn cản”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập Cận Bình nói với ông Biden trong cuộc hội đàm.
Hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai trên thế giới, vẫn rất quan trọng cho sự tiến bộ trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, cả hai bên đều có những bất đồng về các vấn đề như công nghệ và chính trị toàn cầu.
Hai bên cũng có quan điểm khác nhau về các vấn đề ở Trung Đông, nơi Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Mỹ phủ quyết các lời kêu gọi ngừng bắn và bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel.
Mỹ và Trung Quốc cũng xung đột về vấn đề công nghệ và thương mại, trong đó Mỹ đưa ra các biện pháp mới nhằm gây khó khăn cho ngành công nghiệp vi mạch của Trung Quốc.
Rana Mitter, giáo sư về quan hệ Mỹ-Trung tại Trường Harvard Kennedy, cho rằng mục tiêu của phía Mỹ sẽ là “giữ nhiệt độ ở châu Á - Thái Bình Dương ở mức thấp nhất có thể”, trong bối cảnh chiến xung đột phát ở Ukraine và Gaza, Mỹ “không mong muốn có mặt trận chiến sự thứ ba”.
Trong khi đó, chuyên gia Rana Mitter nhận định, Trung Quốc đang muốn thúc đẩy nền kinh tế của nước này nên mục tiêu của Bắc Kinh sẽ là muốn Washington “giảm bớt những hạn chế về công nghệ”.
Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên trong một năm giữa lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau lần gần nhất vào tháng 11 năm ngoái, bên lề hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Bali, Indonesia.
Đây cũng là chuyến đi đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới Mỹ kể từ tháng 4/2017. Sau cuộc hội đàm với ông Biden, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), gặp gỡ với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc căng thẳng do hàng loạt vấn đề. Đầu năm nay, Mỹ bắn rơi một khinh khí cầu của Trung Quốc đi vào không phận vì nghi ngờ đây là khinh khí cầu do thám.