Tuyên bố trên được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đưa ra trong bài phỏng vấn với kênh truyền hình ZDF sau khi được hỏi khả năng xảy ra đối đầu quân sự với Nga.
Ông Pistorius cũng nhấn mạnh rằng quân đội Đức phải trở thành một lực lượng vũ trang có khả năng răn đe và cần duy trì ít nhất lữ đoàn tác chiến ở vùng Baltic.
Trước đó, tháng 12/2023, Bộ trưởng Pistorius đã ký một thỏa thuận triển khai lâu dài một lữ đoàn tác chiến của Đức tới Litva và đồng thời cho biết khả năng áp dụng lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở Đức.
Tuy nhiên, trái ngược với lo ngại của Bộ trưởng Pistorius, một số chính trị gia Đức lại cho rằng khả năng nước này xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp với Nga là rất thấp.
Bộ Quốc phòng Đức muốn tái vũ trang quân đội nước này nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Nga. (Ảnh: Sputnik)
“Nếu bạn hỏi tôi và hầu hết mọi người trong đảng của tôi, câu trả lời rõ ràng là không”, ông Gunnar Beck, thành viên đảng cực hữu “Lựa chọn thay thế cho nước Đức” – AfD cho biết.
Tuy nhiên, ông Gunnar Beck cho rằng phản ứng của Nga đối với các lệnh trừng phạt của Đức nói riêng và châu Âu nói chung xung quanh xung đột Ukraine là cứng rắn, nhưng đồng thời có chừng mực. Theo quan điểm của ông, Nga không phải là mối đe dọa an ninh trực tiếp đối với Đức.
Đức không đủ khả năng tái vũ trang
Theo ông Beck, quân đội Đức không cần tái vũ trang quy mô lớn khi Nga không phải là mối đe dọa trực tiếp. Mặt khác ngân sách của Đức không đáp ứng được yêu cầu này trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Ngành công nghiệp của Đức về cơ bản đã rơi vào suy thoái trước các chính sách điều hành của Thủ tướng Olaf Scholz.
“Đức hiện đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ năm 1945. Các chính sách của chính phủ đang ảnh hưởng đến tất cả các ngành hàng đầu của ngành công nghiệp Đức vốn luôn là trụ cột cho nền kinh tế Đức", ông Beck nói thêm.
Bên cạnh đó ông Beck còn nêu ra ba lý do khiến kế hoạch tái vũ trang của Đức khó thực hiện:
Thứ nhất, chính sách về năng lượng và biến đổi khí hậu của chính phủ Đức.
Thứ hai, ngân sách công của Đức đang gánh các khoản trợ cấp khổng lồ cho người nhập cư.
Thứ ba, các chính sách của Đức đối với Ukraine và các lệnh trừng phạt áp đặt lên nền kinh tế Nga đang tác động ngược lại.
Theo chính trị gia AfD, các đề xuất trừng phạt chưa từng có đối với Nga được chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz ủng hộ đang gây phản tác dụng đối với người dân Đức trên quy mô lớn hơn nhiều so với bất kỳ đối tác nào khác của Moskva.
“Theo quan điểm của tôi, nước Đức không ở trong tình trạng phù hợp về mặt kinh tế và tài chính để bắt tay vào một chương trình tái vũ trang quy mô lớn”, ông Beck nhận định.
"Nếu chính phủ Đức làm như vậy một cách nghiêm túc, hậu quả sẽ là cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn đáng kể. Cách duy nhất để tài trợ cho việc tái vũ trang như vậy là thông qua việc đảo ngược hoàn toàn tất cả các chính sách kinh tế và ngăn chặn làn sóng của người di cư đến Đức".
Khủng hoảng kinh tế sẽ là rào cản lớn nhất khiến Đức khó thực hiện tái vũ trang quân đội và nghĩa vụ quân sự bắt buộc. (Ảnh: AP)
Châu Âu không muốn đối đầu với Nga
Theo ông Beck, phần lớn người Đức không lo lắng về mối đe dọa quân sự từ Nga, điều này làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu kế hoạch quân sự hóa của Bộ trưởng Pistorius có nhận được sự ủng hộ của người dân ở Đức và các quốc gia châu Âu khác hay không.
“Ngoại giao nên là ‘vũ khí’ được phương Tây lựa chọn trong quan hệ với Nga, chứ không phải thêm vũ khí. Người châu Âu không có hứng thú với một cuộc chiến tranh lớn với Nga”, chuyên gia Geoffrey Roberts, giáo sư danh dự về lịch sử tại Đại học College Cork:
"Lời lẽ hiếu chiến này là một phần trong chiến dịch của những người theo đường lối cứng rắn ở phương Tây nhằm quân sự hóa hơn nữa các quốc gia và xã hội phương Tây. Mục đích của họ là kéo dài cuộc chiến Ukraine càng lâu càng tốt và tạo ra một cuộc đối đầu lâu dài với Nga”, Roberts phân tích.
Theo Giáo sư Roberts, cuộc đối đầu giữa Nga và NATO tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng và “nguy hiểm hơn nhiều so với bất cứ điều gì xảy ra trong Chiến tranh Lạnh”.
“Trong Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và phương Tây đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh ủy nhiệm và xung đột nhưng không có gì có thể so sánh được về phạm vi, quy mô và cường độ với những gì đang xảy ra ở Ukraine”, Roberts cho biết.
“Chính phủ các nước phương Tây cần phải chú ý đến những lời kêu gọi xây dựng hòa bình và một thỏa thuận an ninh với Nga để ngăn chặn xung đột. Một cuộc chiến tranh lạnh mới có thể dẫn đến thảm họa”, Giáo sư Roberts kết luận.