"Trong cuộc họp lần thứ ba của Nhóm công tác Kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, các quan chức đã giao tiếp chuyên sâu, thẳng thắn, thực tế và mang tính xây dựng về các chính sách và kinh tế vĩ mô trong nước", Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết.
Theo tuyên bố của cả hai bên, cuộc họp diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) kéo dài hai ngày và kết thúc vào ngày 6/2. Cuộc họp cũng đề cập đến hợp tác tài chính trong khuôn khổ Nhóm G20, các chính sách công nghiệp cùng các vấn đề nợ mà các nền kinh tế có thu nhập thấp và mới nổi phải đối mặt.
Quan chức cấp cao Trung Quốc lo ngại về thuế quan, hạn chế đầu tư và trừng phạt của Mỹ. (Ảnh minh họa: AFP)
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các đại biểu nước này bày tỏ quan ngại về thực tiễn chính sách công nghiệp và năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc, cũng như tác động của chúng đến người lao động và doanh nghiệp Mỹ.
“Các quan chức Mỹ tái khẳng định rằng Mỹ không tìm cách tách rời hai nền kinh tế mà thay vào đó tìm kiếm một mối quan hệ kinh tế lành mạnh nhằm cung cấp một sân chơi bình đẳng cho các công ty và người lao động Mỹ”, thông báo của Tài chính Mỹ cho hay.
Các cuộc họp kết thúc với việc cả hai bên đồng ý gặp lại vào tháng 4.
Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lam Phật An đã tham dự cuộc họp tuần này và “có cuộc trao đổi ngắn” với phái đoàn Mỹ, phái đoàn cũng đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong ở Bắc Kinh, theo tuyên bố của cả hai bên.
Tuyên bố cho biết thêm, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mong muốn có chuyến thăm trở lại Trung Quốc trong năm nay vào thời điểm thích hợp.
Cuộc đối thoại cấp cao diễn ra sau cuộc họp của Nhóm công tác Tài chính riêng biệt giữa hai nước được tổ chức vào tháng trước tại Bắc Kinh. Cả hai nhóm công tác đều được thành lập vào tháng 9 năm ngoái và do ông Hà và bà Yellen lãnh đạo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiến bộ trong các vấn đề chính sách kinh tế và tài chính song phương.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington giảm bớt sau hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 11/2023 tại San Francisco.
Cuộc gặp đó mang lại kết quả khiêm tốn về liên lạc quân sự, kiểm soát ma túy và trí tuệ nhân tạo, trong khi mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn bị che mờ do cạnh tranh kinh tế ngày càng gia tăng và cuộc chiến công nghệ sôi sục.
Chính quyền ông Biden đã duy trì mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc được đưa ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, ở mức trung bình 19,3%.
Hôm 5/2, ông Trump, ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa năm nay, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng ông sẽ áp đặt thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc nếu tái đắc cử, có thể vượt quá 60%.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đã có động thái hạn chế đầu tư của Mỹ vào một số ngành công nghiệp ở Trung Quốc, bao gồm chip điện toán tiên tiến và vi điện tử, công nghệ lượng tử và AI. Đồng thời, họ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Mỹ tách khỏi Trung Quốc.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc nếu tái đắc cử. (Ảnh: Getty Images)
Tuần trước, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố Báo cáo Thường niên về Thị trường nổi tiếng về hàng giả và vi phạm bản quyền 2023, trong đó nêu rõ "Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp hàng giả số một trên thế giới".
Báo cáo chỉ ra rằng hàng giả và hàng vi phạm bản quyền từ Trung Quốc, cùng với hàng trung chuyển từ đại lục sang Hong Kong, chiếm 60% lượng hàng giả và hàng vi phạm bản quyền bị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ thu giữ trong năm 2022. Con số này giảm so với mức 75% của năm 2021.
Báo cáo cũng liệt kê các nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc như Taobao, Pinduoduo, Baidu Wangpan, DHGate và hệ sinh thái thương mại điện tử WeChat vào danh sách thị trường hàng giả khét tiếng.
AliExpress, nền tảng thương mại điện tử kết nối người bán ở Trung Quốc với người mua ở nước ngoài, đã bị xóa khỏi danh sách mới nhất sau khi được đưa vào kể từ năm 2021. AliExpress và Taobao là các công ty con của Tập đoàn Alibaba.
Bên cạnh tình trạng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản trong nước và nỗ lực giảm thiểu rủi ro của các nước phương Tây, thì nhu cầu nội địa không đủ, công suất dư thừa trong một số ngành và niềm tin yếu kém là những nguyên nhân cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc.