Nếu để ý, bạn sẽ thấy ở rất nhiều gia đình, quần áo trên dây phơi luôn bị lộn trái; khi đồ đã khô và người ta lấy xuống cất thì những món đồ đó mới được lộn lại.
Nhiều người cho rằng việc lộn ngược quần áo trước khi phơi sẽ làm khô hiệu quả hơn. Ánh sáng mặt trời sẽ làm khô từng lớp vải từ bên trong, cả những phần nhỏ nhất và kín đáo nhất, như vậy tốc độ phơi quần áo sẽ nhanh hơn rất nhiều so với cách phơi theo chiều thuận.
Thực tế, việc lộn trái quần áo khi phơi cũng sẽ làm cho mặt trong của trang phục dễ dàng nhiễm vi khuẩn, bụi bẩn... Trong khi đó, đây chính là bề mặt tiếp xúc trực tiếp với da của chúng ta khi mặc.
Quần áo sau khi giặt có nên lộn trái trước khi phơi? (Ảnh: Shutterstock)
Ngoài ra, đối với những gia đình trồng nhiều cây quanh nhà hoặc có vườn thì trứng, lông của côn trùng ở xung quanh rất dễ bám vào đồ dùng, trong đó có quần áo đang phơi bên ngoài.
Đến khi mặc quần áo, da của chúng ta sẽ tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn, vi khuẩn, trứng côn trùng..., có thể bị dị ứng hay mắc các bệnh về da…
Đặc biệt với trẻ em, quần áo dính bụi bẩn, vi khuẩn và côn trùng càng dễ làm tổn thương làn da non nớt, khiến các bé bị ngứa, rôm sảy. Những thứ bám vào quần áo cũng có thể khiến các bé mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, hoặc khiến bệnh sẵn có trở nên nặng hơn. Do vậy, quần áo sau khi giặt không nên lộn trái khi phơi.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ. Nếu quần áo của bạn làm từ lụa, cashmere, len, đồ cotton có màu sáng hơn và denim dễ phai màu thì sau khi giặt, tốt nhất bạn nên lộn mặt trái để phơi. Khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao của ánh nắng mặt trời sẽ khiến quần áo làm từ các chất liệu này nhanh chóng bạc màu.
Lưu ý, để tránh vải bị phai màu nhanh, bạn đừng phơi nắng quá lâu. Trước khi rút quần áo vào nhà, nên giũ qua 1 - 2 lần để bay bớt bụi bám rồi mới cất.
Nên vắt khô và trải rộng quần áo khi phơi để đồ nhanh khô, ít bám bụi hơn, giảm nguy cơ bị vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập và không bị nhăn.
Nên phơi quần áo ở nơi rộng rãi, thoáng mát, có ánh sáng mặt trời, ít bụi bặm.
Không phơi đồ ngoài trời qua đêm bởi sương bám vào quần áo dễ gây mùi hôi, nấm mốc.
Không phơi đồ ở gần khu nấu nướng, quần áo dễ ám mùi dầu mỡ và có mùi hôi.
Giữa các bộ đồ nên có khoảng cách để hơi nước bốc hơi tốt hơn, giúp đồ mau khô hơn.
Không dùng các loại dây phơi bị gỉ sét khiến trang phục bị bẩn.
Với áo len, bạn nên phơi ngang trên dây phơi hoặc cạnh đáy của móc quần áo. Sợi len có đặc tính thấm hút cao nên rất nặng sau khi giặt, nếu phơi theo kiểu thông thường thì sợi len sẽ bị kéo giãn, làm áo biến dạng.