Quyết định gần như cùng lúc của Pháp, Mỹ, Anh và Đức đã thể hiện sự ủng hộ cho Ukraine trước những diễn biến của chiến trường miền Đông Ukraine trong những tháng tiếp theo. Điều đó cũng gửi đi tín hiệu tới Nga rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ không sớm diễn ra.
Nga dồn toàn lực tiến công thành phố Soledar
CNN dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 9/1 nói, lực lượng Nga đang tập trung mọi nguồn lực của họ vào chiến trường Soledar, đồng thời thừa nhận tình hình ở thành phố này vô cùng khó khăn.
Trước đó cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết sau nỗ lực tiến công Soledar không thành công, Nga "tập hợp lại lực lượng, bù đắp tổn thất, bố trí lại các đơn vị xung kích bổ sung, thay đổi chiến thuật và mở một đợt tiến công mạnh mẽ".
Khói bốc lên sau một đợt pháo kích ở Soledar, nơi diễn ra các trận giao tranh ác liệt giữa quân đội Ukraine với lực lượng Nga ở vùng Donetsk. (Ảnh: AP)
Soledar và thành phố Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk gần đây là tâm điểm các đợt tiến công dữ dội của lực lượng Nga. Thành phố có diện tích hơn 12,3 km2 với dân số trước chiến sự gần 10.500 người, có các mỏ muối và thạch cao.
Ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn Wagner, nhận định vai trò chiến lược của Bakhmut và khu vực lân cận, trong đó có Soledar, nằm ở hệ thống các hầm mỏ được ví như thành phố ngầm. Các mỏ muối này có hệ thống đường hầm dài hơn 160 km cùng hệ thống tổ hợp có thể đáp ứng nhu cầu duy trì hàng nghìn binh sĩ dưới lòng đất.
"Chúng không chỉ có khả năng chứa những nhóm lớn người ở độ sâu 80-100 m mà còn có thể chứa cả xe tăng, xe chiến đấu bộ binh", ông Prigozhin nói.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ tuần trước đánh giá chiến sự tại Bakhmut có thể lên tới đỉnh điểm, khi lực lượng Nga tiếp tục các cuộc tiến công vào thành phố với mức độ hiện tại dù "rất khó có thể đạt lợi ích đáng kể".
Phương Tây bỏ giới hạn viện trợ vũ khí cho Ukraine
Cùng với chiến sự ngày một leo thang ở Donetsk, phương Tây cũng bắt đầu thay đổi chính sách viện trợ vũ khí khi mở rộng việc cung cấp các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và xe thiết giáp chuẩn NATO cho Ukraine.
Sau khi Pháp, Mỹ, Anh và Đức thông báo về việc hỗ trợ xe tăng, xe chiến đấu bộ binh mới cho Ukraine, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tự tin tuyên bố: “Thời kỳ của những giới hạn trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine đã qua".
Những cam kết mới dường như đánh dấu sự đổi chính sách của các nước phương Tây về việc cung cấp vũ khí mang tính sát thương cao hơn cho quân đội Ukraine. Điều này cũng cho thấy phương Tây dường như đang giảm dần mối lo ngại về việc Nga leo thang căng thẳng.
Số lượng vũ khí được phương Tây viện trợ cho Ukraine đang tăng lên theo từng ngày chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2023. (Ảnh: AP)
Khởi đầu của những cam kết sát cánh cùng Ukraine đi đến cuối cùng là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine, đây được xem như là giải pháp giúp Kiev đối phó với các cuộc không kích tiếp từ Nga. Ngay sau Mỹ, Đức cũng đưa ra một cam kết tương tự.
Kế đến, ngay trong đầu năm mới 2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ viện trợ số lượng đáng kể xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên một mẫu xe tăng do phương Tây thiết kế được cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine và quá trình chuyển giao đang được gấp rút thực hiện.
Kể từ đầu cuộc xung đột cho đến nay, hầu hết các phương tiện chiến đấu bọc thép được phương Tây viện trợ cho Ukraine như xe tăng, xe chiến đấu bộ binh đều có nguồn gốc từ Liên Xô hoặc các nước Đông Âu.
Chỉ vài ngày sau khi Pháp tuyến bố viện trợ xe tăng AMX-10 RC, Đức và Mỹ cũng cho biết sẽ chuyển giao các xe chiến đấu bộ binh Marder và M2 Bradley cho Kiev, một phần của kế hoạch giúp quân đội Ukraine thực hiện các cuộc phản công ở mặt trận phía đông.
Cùng với sự nóng lên ở hai chiến trường Soledar và Bakhmut, ngày 9/1, truyền thông Mỹ và Anh đồng loạt đưa tin cả hai nước này sẽ tiếp tục chuyển giao thêm các xe tăng Challenger 2 và xe thiết giáp đa năng Stryker cho Ukraine.
Theo Sky News, chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã thảo luận về việc viện trợ Ukraine 10 xe tăng Challenger 2. Thông báo chính thức có thể được đưa ra vào ngày 20/1. Đây cũng là lần đầu tiên London xem xét chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực cho Kiev.
Đây được cho là động thái mang tính biểu tượng, song việc Anh chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên do phương Tây sản xuất cho Ukraine cũng sẽ khuyến khích Mỹ và Đức làm điều tương tự.
Về phía Mỹ, tờ Politico dẫn lời hai quan chức Lầu Năm Góc giấu tên tiết lộ Washington có thể sẽ chuyển giao các xe thiết giáp đa năng Stryker cho Ukraine cùng thời điểm với việc viện trợ các xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley.
Stryker là phương tiện chiến đấu bọc thép thứ 2 mà Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ cho Ukraine chỉ trong chưa tới một tuần qua. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Chính quyền Mỹ có thể công bố gói viện trợ tiếp theo này vào cuối tuần sau, trong thời gian diễn ra cuộc họp tiếp theo của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine ở Đức.
Trước đó, Ukraine đã nhận biến thể Stryker của Canada có tên Phương tiện Bọc thép Hỗ trợ Chiến đấu (ACSV). Canada ban đầu mua những chiếc ACSV cho quân đội nước này, song Thủ tướng Justin Trudeau sau đó thông báo đang chuyển lô xe thiết giáp này cho Ukraine.
Dù vậy, nếu các xe chiến đấu bộ binh mà phương Tây cam kết hỗ trợ cho Ukraine không được cung cấp với số lượng lớn thì động thái này hầu như không thể thay đổi tình hình chiến trường và thậm chí còn làm gia tăng gánh nặng hậu cần cho Ukraine giữa bối cảnh Kiev đang chật vật vận hành và bảo trì các loại phương tiện khác nhau với mỗi phương tiện lại yêu cầu các bộ phận và loại đạn dược riêng.
Các phương tiện chiến đấu bọc thép trên không phải là các xe bọc thép đầu tiên mà phương Tây hỗ trợ Ukraine nhưng chúng có lẽ là loại tiên tiến nhất mà Kiev nhận được tới nay. Chúng không hẳn là xe bọc thép chở quân nhân dù một số xe có thể chở các binh lính và chúng cũng không hẳn là xe tăng.