Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tên lửa Patriot Mỹ chuyển giao cho Ukraine sẽ tạo bước thay đổi quan trọng?

(VTC News) -

Quyết định triển khai hệ thống tên lửa Patriot đến Ukraine của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden được đưa ra bất chấp những cảnh báo của Nga.

Ngày 21/12, CNN đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine.

Đây là lần đầu tiên Mỹ cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukarine. Hệ thống này có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay ở trần bay cao hơn đáng kể so với các hệ thống được chuyển giao trước đây", Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết.

Vì sao tên lửa Patriot quan trọng?

Theo Ngoại trưởng Antony Blinken, việc cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot nằm trong gói viện trợ 1,85 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine. Mỹ sẽ chi 1 tỷ USD để cung cấp cho Ukraine "năng lực phòng không và tấn công chính xác được mở rộng" và 850 triệu USD hỗ trợ an ninh.

Phát biểu về việc Mỹ sẽ chuyển tên lửa Patriot, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21/12 cho biết các hệ thống tên lửa phòng không Patriot mà Mỹ sẽ triển khai đến Ukraine là một "bước rất quan trọng" để tạo ra không phận an toàn cho nước này. 

Tên lửa Patriot Mỹ chuyển giao cho Ukraine sẽ tạo bước thay đổi quan trọng? - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 21/12. (Ảnh: CNN)

"Đây là một bước tiến rất quan trọng để tạo không phận an toàn cho Ukraine và đó sẽ là cách duy nhất giúp chúng ta ngăn chặn Nga cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraine”, ông Zelensky nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 21/12.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Biden cho biết sẽ mất một khoảng thời gian hoàn thành chương trình huấn luyện cho binh sĩ Ukraine trước khi họ có thể vận hành hệ thống Patriot. Ông Biden cũng khẳng định tên lửa Patriot sẽ “chìa khóa” giúp bảo vệ vùng trời Ukraine.

Tổng thống Biden cũng cam kết đảm bảo Ukraine có thể “bảo vệ đất nước của họ trước các hành động gây hấn của Nga”.

Trước đó, Kiev đã yêu cầu Mỹ và các nước đồng minh NATO tăng cường phòng không khi Nga tiếp tục tấn công Ukraine.

Tên lửa Patriot sẽ tạo ra sự khác biệt?

Dù tên lửa Patriot chỉ là một phần trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,8 tỷ USD mà Mỹ dành cho Ukraine, nhưng được các chuyên gia quân sự đánh giá sẽ tạo ra sự khác biệt đối với cuộc chiến thời gian tới, CNN nhận định.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot được mô tả là tổ hợp vũ khí tinh vi, chính xác và đắt tiền, chúng được là “tiêu chuẩn vàng” về phòng không của Mỹ. Hầu hết các đồng minh chủ chốt của Mỹ đều được trang bị Patriot và hệ thống này luôn nằm trong tuyến đầu của hệ thống phòng thủ tên lửa chung.

Để vận hành một tiểu đoàn Patriot cần đến hơn 100 sĩ quan và binh sĩ, kíp vận hành hệ thống phải được đào tạo bài bản nếu muốn phát huy tối đa khả năng chiến đấu của vũ khí.

Tên lửa Patriot được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tập kích đường không của Nga. (Ảnh: CNN)

Theo CNN, việc Patriot có thể tác động đến cục diện cuộc chiến nằm ở chỗ nó có thể ngăn chặn các mối đe dọa không kích của Nga vào các cơ sở năng lượng hạ tầng Ukraine. Việc bị tập kích liên tục đang đẩy Ukraine vào một mùa đông khó khăn hơn bao giờ hết khi thiếu điện và nước sạch. Khi các thành phố lớn chìm trong bóng tối 12 giờ mỗi ngày, rõ ràng sẽ tác động đến tâm lý bất kỳ người Ukraine nào.

Hệ thống phòng không Patriot có thể giúp đánh chặn một số lượng lớn tên lửa và máy bay không người lái tấn công của Nga, mặc dù Ukraine đã tuyên bố tỷ lệ đánh chặn thành công phần lớn các cuộc không kích gần đây.

Tên lửa Patriot cũng là một dấu hiệu cho thấy công nghệ tốt nhất của NATO có thể giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến, hoặc ít nhất là kìm hãm Nga.

Dù vậy, có một vấn đề cần phải tính đến đó là Mỹ và đồng minh NATO có thể chuyển giao cho Ukraine bao nhiêu tên lửa Patriot, cũng như việc Nga sẽ tiến hành các cuộc không kích như thế nào trong tương lai. Đạn dược cho các hệ thống vũ khí tấn công và phòng thủ sẽ trở thành vấn đề sống còn khi cuộc chiến bước sang năm thứ hai.

Về phản ứng của Nga, các chuyên gia của CNN cho rằng điện Kremlin tất nhiên sẽ lên tiếng phản đối nhưng sẽ không có hành động cụ thể cho đến khi Patriot được triển khai trên thực địa.

Khi được hỏi về việc Mỹ sẽ chuyển giao Patriot cho Ukraine, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hành động này chỉ dẫn đến xung đột càng leo thang và không mang lại điều gì tốt đẹp cho Ukraine.

Tên lửa Patriot không phải vũ khí toàn năng

Trả lời phỏng vấn CNN, về việc Mỹ chuyển giao Patriot cho Ukraine, ông James “Spider” Marks - Chuyên gia quân sự, cựu thiếu tướng tình báo quân đội Mỹ nhận định, Patriot sẽ giúp Ukraine tăng đáng kể khả năng đánh chặn chính xác các mối đe dọa, bảo vệ các mục tiêu chiến lược trên mặt đất.

Còn theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), hệ thống radar cảnh giới tiên tiến của Patriot kết hợp với chức năng “giám sát, theo dõi và phản ứng” giúp hệ thống phòng không này khác biệt với các sản phẩm cùng loại. Việc Patriot phát hiện và đưa ra các dữ liệu về mối đe dọa diễn ra gần như tự động, quyết định đánh chặn hay không thuộc về người vận hành.

Thế nhưng cựu chỉ huy Lục quân Mỹ tại châu Âu, trung tướng Mark Hertling lại nói với CNN rằng có lẽ các bên đang đặt ra một số mục tiêu không thực tế về những gì một đơn vị tên lửa Patriot có thể làm được ở Ukraine.

Các chuyên gia quân sự Mỹ nhận định Patriot chỉ giúp phòng không Ukraine giảm bớt gánh nặng và không tác động nhiều đến cục diện chiến trường. (Ảnh: CNN)

Theo tướng Hertling, khẩu Patriot ở Ukraine sẽ không thể tham chiến ngay lập tức sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Biden, phải mất vài tháng để huấn luyện binh sĩ Ukraine làm chủ được vũ khí phức tạp này. Trong khi đó các cố vấn Mỹ vẫn sẽ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, hậu cần trong nhiều tháng sau đó. Điều quan trọng nhất là một đơn vị Patriot không thể bảo vệ toàn bộ Ukraine.

“Những hệ thống này cố định và nó không có khả năng cơ động nhanh trên chiến trường. Bạn phải đặt chúng ở đâu đó để bảo vệ mục tiêu quan trọng nhất, như thủ đô Kiev. Nếu ai đó có suy nghĩ Patriot có thể bảo vệ không phải trải dài 800 km giữa Ukraine và Nga thì nó không hoạt động như thế”, tướng Hertling nói.

Thật vậy, Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại CSIS, nói với CNN rằng Patriot “không phải là kẻ thay đổi cuộc chơi” vì nó “vẫn chỉ có thể bảo vệ một khu vực tương đối nhỏ”.

Các báo cáo của CSIS gần đây cho biết đạn tên lửa cho Patriot có giá khoảng 4 triệu USD mỗi quả. Các loại đạn đắt tiền này nhiều khả năng sẽ không được sử dụng để bắn hạ mọi tên lửa mà Nga phóng về phía Ukraine.

“Đây không phải là một hệ thống được dùng để đánh chặn máy bay không người lái hoặc tên lửa đạn đạo nhỏ hơn dù nó có thể. Bạn phải hiểu rằng về việc bắn hạ một máy bay không người lái trị giá 20.000 USD hoặc một tên lửa đạn đạo trị giá 100.000 USD bằng một tên lửa trị giá 3-5 triệu USD sẽ không mang lại cho bạn bất cứ giá trị nào. Những gì Patriot có thể làm là giảm gánh nặng cho các hệ thống phòng không tàm trung, tầm thấp của Ukraine”, tướng Hertling nhận định.

Patriot đang được các đồng minh khác của Mỹ sử dụng, bao gồm Israel, Đức và Nhật Bản, và được triển khai tới Ba Lan trong nỗ lực giúp nước này đối phó với các nguy cơ từ Nga.

Quân đội Mỹ cũng từng tuyên bố rằng Patriot ở Ba Lan sẽ đóng vai trò phòng thủ và nó không tham gia vào bất cứ hoạt động tấn công nào, sau khi hệ thống này được triển khai đến gần biên giới Ukraine vào tháng 3/2022.

Và trong trường hợp của Ukraine, Hertling nói rằng các hoạt động tấn công quan trọng hơn nhiều so với việc tập trung xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa bằng Patriot.

“Patriots là một hệ thống vũ khí phòng thủ, chống tên lửa đạn đạo và máy bay, với trọng tâm là phòng thủ. Bạn không thắng cuộc chiến bằng một hệ thống tên lửa phòng thủ. Chiến thắng chỉ đến nếu bạn tấn công đối phương trên chiến trường”, tướng Hertling nhấn mạnh.

Một giành được chiến thắng Ukraine phải tấn công thì vì phòng thủ. (Ảnh: CNN)

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot có gì nổi bật?

Đối với phiên bản Patriot phổ biến và có sẵn để chuyển giao cho Ukraine, Mỹ nhiều khả năng sẽ sử dụng Patriot PAC-3. Hệ thống này có thể này có thể đánh chặn các mục tiêu ở độ cao hơn 40.000 m, với tầm bắn hiệu quả khoảng 100 km.

Hệ thống phòng không hàng đầu của lục quân Mỹ có thời gian phản ứng nhanh, hỏa lực tin cậy, năng lực theo dõi vài mục tiêu cùng một lúc và khả năng hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt.

Một pháo đội Patriot thường gồm 6-8 bệ phóng đặt trên xe tải, mỗi bệ gồm 4 ống phóng. Nếu với PAC-3, một bệ phóng có thể mang theo 16 tên lửa, còn PAC-2 là 4 tên lửa.

Mỗi tổ hợp như trên gồm một radar dò tìm và đeo bám mục tiêu, một hệ thống điều khiển, một cột ăng-ten tần số cao và các máy phát điện. 

Một ưu điểm nữa của PAC-3 là có thể sử dụng cùng một loại tên lửa đánh chặn cho các mục tiêu UAV, máy bay có người lái và tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, các hệ thống của Nga sử dụng các loại tên lửa khác nhau cho các mục tiêu khác nhau.

Trà Khánh

Tin mới