Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phúc Sơn có thực sự được ‘ưu ái’ giao đất vàng tại Nha Trang?

Thực hiện 3 dự án BT với số vốn lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, đổi lại là dự án 62,3 ha đất vàng tại Nha Trang, Phúc Sơn liệu có thực sự được ưu ái?

Quá trình giao đất vàng cho Phúc Sơn có được ưu ái?

Vào năm 2017, CTCP Tập đoàn Phúc Sơn (Phúc Sơn) là nhà đầu tư được UBND tỉnh Khánh Hòa ký kết hợp đồng, giao thực hiện 3 các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) bao gồm: Dự án Các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; Dự án Đường vành đai kết nối Nút giao Ngọc Hội; và Dự án Nút giao Ngọc Hội.

Đổi lại, Phúc Sơn được đối ứng các quỹ đất thuộc dự án Khu trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (Dự án khu Sân bay Nha Trang cũ) bao gồm: phân khu 2A, phân khu 2 và 3 với diện tích lên tới hơn 62,3 ha.

 Dự án đang được Phúc Sơn thực hiện.

Đến nay, cả 3 dự án BT này đều chưa hoàn thành, dư luận đặt câu hỏi liệu Phúc Sơn có được địa phương “ưu ái” khi giao 62,3 ha đất không qua đấu giá?

Được biết, ban đầu, Công ty Phúc Sơn được UBND tỉnh Khánh Hòa đối ứng 20,46ha để thực hiện dự án Khu Trung tâm đô thị thương mại dịch vụ tài chính du lịch Nha Trang.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định giao toàn bộ diện tích 62,3ha cho Công ty Phúc Sơn để quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng đất để thực hiện dự án Khu trung tâm đô thị, dịch vụ tài chính du lịch Nha Trang tại phân khu 2, phân khu 3 và phân khu 2A - theo thỏa thuận ghi tại 3 hợp đồng BT.

Tại Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (ngày 14/6/2016), UBND tỉnh Khánh Hoà đã nêu rõ lý do phải sử dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với 3 dự án BT nêu trên.

Cụ thể theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà, việc gia tăng khách du lịch đến thành phố trong những năm qua và hiện nay, kết hợp đặc thù về địa lý hành chính, dân cư làm cho cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố bi quá tải, gây ra tình trạng ách tắc giao thông, tê liệt, rối loạn.

Ngoài nguyên nhân khách du lịch tăng nhanh và đột biến, nguyên nhân chính là kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, không thông suốt và chưa hợp lý.

Từ tình hình thực tế giao thông thành phố Nha Trang nêu trên, tại phiên họp ngày 22/4/2016, Ban thường vụ tỉnh ủy Khánh Hoà đã họp bàn về một số vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hoà khẩn trương triển khai thực hiện ngay các dự án nút giao thông Ngọc Hội – Đường 23/10; các đường giao thông, nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang nhằm giải tỏa ách tắc cho thành phố.

Việc triển khai dự án được lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà nhấn mạnh là “cấp bách phải triển khai xây dựng gấp”.

Được biết, để thực hiện các dự án trên, số tiền dự kiến lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, nguồn vốn của tỉnh không thể đáp ứng nên chỉ có thể kêu gọi vốn bằng hình thức BT.

Trong khi đó, quỹ đất trên địa bàn thành phố đã hết, chỉ còn 186,19 ha đất sân bay Nha Trang thuộc quản lý của Khánh Hoà. Sau đó tỉnh đã quy hoạch khu vực này thành trung tâm đô thị thương mại – dịch vụ - tài chính – du lịch Nha Trang.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư Phúc Sơn, theo UBND tỉnh Khánh Hoà, việc lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện các dự án nêu trên là rất khó khăn, mất nhiều thời gian và phát sinh một số vấn đề rất phức tạp do: các khu đất Bộ Quốc phòng đã cắm mốc, bàn giao cho địa phương quản lý, hiện nay đã giao cho Công ty Phúc Sơn triển khai dự án Khu Trung tâm đô thị cho Nha Trang.

Nếu nhà đầu tư khác trúng thầu, việc giao quỹ đất trên cho nhà đầu tư để thanh toán cho dự án BT là không phù hợp và gây tôn kém vì đã giao cho Công ty Phúc Sơn thực hiện dự án, Công ty cũng đã thực hiện triển khai dự án.

Nếu giao quỹ đất khác thì không thể thực hiện vì cũng không còn quỹ đất. Trước tình hình nêu trên, Ban thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Khánh Hoà đã đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp, thanh toán bằng quỹ đất đã giao cho công ty, nhằm thúc đẩy tiến độ dự án, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế của dự án.

Liên quan đến việc giao đất không qua đấu giá này, ông Châu Ngô Anh Nhân, Trưởng Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa - đơn vị quản lý 1 trong 3 dự án BT kể trên, cho hay, các dự án BT này đều được chỉ định thầu, không qua đấu giá. Việc này đã được tỉnh xin ý kiến và được cấp trên đồng ý vì tính chất cấp bách.

Sau khi các dự án hoàn thành thì mới làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất, diện tích đất là bao nhiêu thì phải điều chỉnh lại sau khi quyết toán khối lượng thực tế.

Trước đó, tại báo cáo 169/BC-UBND ngày 24/7/2017 trả lời ý kiến cử tri thành phố Nha Trang gửi tới kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VI, UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin: “Được sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại văn bản 1175/TTg-KTN ngày 06/7/2016 cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệc quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn để thực hiện các dự án: Nút giao thông Ngọc Hội; Đường vành đai 2; Các tuyến đường, các nút giao thông kết nối sân bay Nha Trang theo hình thức Hợp đồng BT và hoàn vốn từ khai thác quỹ đất khoảng 63 ha tại khu sân bay Nha Trang.

Việc giao đất tại khu sân bay Nha Trang cũ cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án khu đô thị mới (không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư) do đây là dự án đối ứng (hoàn vốn) cho các dự án thực hiện theo hình thức Hợp đồng BT, được quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng…”.

Vì sao 3 dự án BT chậm tiến độ?

Liên quan đến các dự án BT chậm tiến độ, ông Phạm Ngọc Cương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn, thừa nhận, các dự án BT đều chậm tiến độ dù đã đến thời điểm bàn giao. Tuy nhiên, theo ông Cương, việc chậm này là do UBND tỉnh chưa giao mặt bằng chứ không phải lỗi của nhà đầu tư.

Văn bản ngày 5/4/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ của Phúc Sơn cũng nêu rõ, tập đoàn này hiện đã đầu tư tổng cộng 2.364 tỷ đồng, trong đó với 3 dự án BT là 902 tỷ đồng, dự án Trung tâm Tài chính Nha Trang là 1.462 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư xây dựng 1.085,2 tỷ đồng và chi phí nộp tiền sử dụng đất là 376,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác lập, thẩm định, phê duyệt giá trị tiền sử dụng đất của dự án Trung tâm Tài chính Nha Trang vẫn chưa hoàn thành, do đó nhà đầu tư không thể thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán và thu hồi vốn đầu tư các dự án cũng như hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Ngoài ra, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại các dự án BT đang gặp rất nhiều khó khăn, với tỷ lệ diện tích chưa bàn giao lên tới từ 46,6% đến 64,41%, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai.

Đáng lưu ý, công văn của Phúc Sơn cho hay, dù việc thẩm định và phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất chưa hoàn thành, nhà đầu tư chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, tuy nhiên doanh nghiệp này đã tự xác định sơ bộ phần chênh lệch giữa giá trị tiền sử dụng đất của dự án đối ứng và chi phí đầu tư các dự án BT, đồng thời chủ động nộp ngân sách nhà nước 376,8 tỷ đồng từ thời điểm 23/11/2018 tại Cục thuế tỉnh Khánh Hoà.

Ngọc Vy

Tin mới