Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phu vải 'bán sức lấy tiền', kiếm bạc triệu mỗi ngày tại thủ phủ vải thiều

(VTC News) -

Nhiều lao động bất chấp “bán sức lấy tiền”, thức xuyên 2-3 đêm đóng gói, bốc vác vải, kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Tại một cơ sở thu mua vải và đóng gói đưa ra thị trường tại xã Phì Điền (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), khoảng 30 công nhân đang ngày đêm miệt mài kiểm tra vải, ướp đá, cắt cuống, đóng gói…

Những công đoạn này được thực hiện tỉ mỉ và không được sai sót nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất.

Để giữ được quả vải tươi khi mang ra thi trường, các cơ sở thu mua phải sử dụng hàng nghìn cây đá để giữ lạnh.

Anh Hoàng Văn Hải cho biết, hiện gia đình anh có 3 điểm cân vải thiều tại xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn. "Mỗi ngày, gia đình tôi thu mua khoảng 30-35 tấn vải thiều. Mỗi điểm cân của gia đình tôi luôn có 20-30 lao động, hoạt động từ 6h cho đến 18h. Các lao động tập trung phân loại, đóng gói vải thiều vào thùng xốp để tiện vận chuyển đi tiêu thụ tại các địa phương khác cũng như xuất khẩu đi Trung Quốc", anh Hải cho hay.

Đang ngâm vải vào trong bể đá chuẩn bị cho khâu đóng gói, anh Bế Văn Nhỏ (áo nâu bên trái) cho biết, mỗi ngày làm việc tại điểm cân này, anh được trả công từ 800 nghìn đến 1 triệu, tùy vào lượng hàng, có hôm nhiều hàng thì được hơn nữa.

Công việc đóng vải thiều đơn giản nhưng rất vất vả, chỉ nam giới mới có thể làm được.

Công nhân đang cắt cuống, kiểm tra vải trước khi đưa vào thùng xốp. "Mỗi ngày chủ cơ sở nhà tôi có thể nhận đến hơn 30 tấn vải. Số vải được các công nhân sơ chế trong ngày nhằm đưa sớm nhất ra thị trường", anh Hải nói.

Anh Hải trực tiếp kiểm tra chất lượng vải lần cuối trước khi đóng thùng xuất khẩu đi Trung Quốc.

Những công việc nặng như đóng gói vải, vận chuyển vải ướp lạnh... đều được các công nhân nam thực hiện, còn những công nhân nữ chỉ việc cắt cuống, lựa chọn và phân loại vải.

Anh Vi Văn Bình (35 tuổi, thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) chia sẻ: "Mỗi khi vụ vải đến, tôi lại tới đây làm bốc vác cho các cửa hàng thu mua vải. Nhà tôi cũng có vải thiều nhưng không nhiều nên tôi tranh thủ những ngày mùa vụ này đi kiếm tiền lo cho gia đình. Việc này trả lương theo sản phẩm, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, nên mọi người đều cố gắng bốc được càng nhiều hàng lên xe sẽ càng có nhiều tiền”.

"Còn sức thì còn cố làm, có những đợt tôi làm thông 2 - 3 hôm vì hàng nhiều, càng làm được tiền lại càng muốn làm thêm, lúc nào mệt quá mới nghỉ. Công việc này thì cũng chỉ là bán sức lấy tiền chứ mệt lắm", anh Bình bày tỏ.

Vải được đóng thùng kĩ lưỡng được những phu vải bốc vác lên thùng xe container. Tất cả số lượng vải được xử lý sẽ được đưa đến cửa khẩu ngay trong ngày.

Các thùng vải nhanh chóng chuyển lên xe container. Sau khi đưa những thùng vải lên thùng xe container, công nhân tưới nước lại một lần nữa và di chuyển đến các cửa khẩu.

Ngô Nhung - Văn Chương

Tin mới