Kelly cho biết hai năm qua, Tingting tham dự trại hè quốc tế bốn tuần tại Australia và năm tuần tại New Zealand. Các chương trình được lên kế hoạch từ giữa tháng 3 vì gia đình muốn con gái "trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau và mở rộng tầm mắt".
Khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, trường học của Tingting đóng cửa, chuyển sang dạy trực tuyến. Chính quyền thành phố Thượng Hải dự kiến rút ngắn thời gian nghỉ hè để đảm bảo chương trình học năm 2019-2020 vẫn diễn ra đúng như kế hoạch.
"Tôi không biết khi nào trường học mở cửa lại hay khi nào kỳ nghỉ hè bắt đầu nên quyết định sẽ không tham gia chương trình du học hè năm nay", Kelly nói, hy vọng có thể đăng ký du học hè cho con gái vào năm sau.
Tham quan học tập quốc tế, hay còn gọi là du lịch giáo dục, trở nên phổ biến đối với những gia đình giàu có tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Tổ chức giáo dục Huaon, trụ sở tại Bắc Kinh, năm 2019, ngành du lịch giáo dục tại Trung Quốc thu về 33 tỷ nhân dân tệ (4,6 tỷ USD) với sự tham gia của gần 1,3 triệu thanh thiếu niên. Nhưng khi đại dịch xuất hiện, ngành du lịch này phải chịu tác động lớn.
Hàng năm, các gia đình lên kế hoạch tham gia trại hè kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cùng nhau. Họ đi theo nhóm, thuê chung một ngôi nhà trong thời gian trại hè diễn ra. Số khác nhờ đến các công ty trung gian như Only Education, trụ sở tại Thượng Hải.
Tham quan học tập quốc tế rất phổ biến đối với những gia đình giàu có tại Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
Liu Zeyang, người quản lý bộ phận Nghiên cứu du lịch tại Only Education cho biết năm 2019 công ty sắp xếp các chuyến du lịch hè trong và ngoài Trung Quốc cho hơn 1.000 trẻ em, nhưng năm nay con số gần như bằng không.
"Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi và không thể dập tắt vào cuối tháng 5, tất cả chương trình du học hè đều phải hủy bỏ", Liu dự đoán. Mặc dù rơi vào thế khó, Liu tin rằng ngành này có thể hồi phục nhanh chóng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Là chuyên gia phụ trách chương trình du học hè từ Trung Quốc đến bang Nam Australia, Wendy Wu cho biết năm 2019 có 60 học sinh tham gia nhưng năm nay giảm xuống còn 20. "Tình hình đang rất tệ. Không gia đình nào chịu đăng ký còn những người đã ký hợp đồng đang do dự và đòi hoàn lại tiền", Wendy nói.
Không chỉ phụ huynh Trung Quốc, các trường đại học khắp thế giới đã ra lệnh hủy bỏ chương trình tham quan hè để phòng Covid-19, trong đó có Đại học Cornell, Cao đẳng Berea tại Mỹ, Đại học Cambridge, Đại học Hoàng gia London tại Anh, Đại học Uppsala tại Thuỵ Điển và Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong.
Tổ chức giáo dục quốc tế EF English First (EF) cho biết từ tháng 3 đến 5 là mùa cao điểm đặt vé du học hè, nhưng hiện tại tổ chức đang áp dụng chiến thuật chờ đợi và quan sát. Mặc dù nhiều gia đình đã đăng ký chương trình, EF sẽ cân nhắc tình hình dịch bệnh và có thể thay đổi kế hoạch để đảm bảo an toàn cho học viên, nhân viên.
Đến ngày 22/3, Covid-19 đã lan ra 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 335.000 người nhiễm, 14.600 người chết. Đại dịch khiến hơn 100 quốc gia đóng cửa toàn bộ trường học, làm gián đoạn học tập của gần 850 triệu học sinh, sinh viên từ mẫu giáo đến đại học. Hơn 10 quốc gia khác cho học sinh tại những vùng có dịch nghỉ học nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.