Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 đang diễn ra sôi động với phần thi phát thanh trực tiếp. Đây là phần thi nhận được sự quan tâm của những người làm nghề. Có mặt và theo dõi các tác phẩm phát thanh trực tiếp của các đơn vị phát thanh trong cả nước sáng nay (2/8) diễn ra tại trụ sở Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH), nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Uỷ viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí những nét mới của kỳ Liên hoan Phát thanh lần này cũng như cơ hội của phát thanh trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng.
- Thưa ông, chương trình Liên hoan phát thanh toàn quốc năm nay có gì đặc biệt so với các kỳ liên hoan phát thanh đã tổ chức trước đó?
Mặc dù Liên hoan Phát thanh mới diễn ra một ngày thôi, nhưng qua theo dõi chương trình phát thanh trực tiếp của các đài phát thanh truyền hình địa phương cũng như của các Ban Phát thanh, các kênh phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam tham dự liên hoan, chúng tôi rất ấn tượng bởi sự sôi động và tính chuyên nghiệp của các đồng nghiệp thể hiện qua các chương trình.
Chúng ta thấy một đặc trưng là những đề tài và các chương trình trực tiếp đề cập đến những vấn đề rất sát với cuộc sống, thu hút sự quan tâm của công chúng. Ví dụ như vấn đề về tâm lý trẻ em học đường, những vấn đề về sự trỗi dậy phục hồi của TP.HCM, hay những vấn đề về giao thông đô thị của thành phố lớn. Họ đã thể hiện rất chuyên nghiệp.
Một xu hướng mà các đồng nghiệp tận dụng rất tốt là tận dụng nền tảng số các nền tảng xuyên biên giới, tận dụng mạng xã hội để phân phối nội dung phát thanh. Khi phân phối nội dung các chương trình phát thanh nên nền tảng ấy, chúng ta không hoàn toàn hoạt động như một đài phát thanh thuần mà chúng ta có hình ảnh, video, chúng ta có những mô tả hiện trường về đồ họa để hỗ trợ cho việc làm phong phú nội dung phát thanh. Nhưng tinh thần hồn cốt, tính chuyên nghiệp vẫn là phát thanh với ngôn ngữ nói, với khả năng làm trực tiếp tương tác trực tiếp đến với công chúng làm cho chương trình phát thanh rất sinh động.
Ban Giám khảo chương trình thi phát thanh trực tiếp.
Chúng ta thấy, xu hướng của chuyển đổi công nghệ hiện nay thì người ta nghe phát thanh qua các đài truyền thống thì rất ít, mà người nghe phát thanh đã di chuyển lên các phương tiện như ô tô, các phương tiện di chuyển, thế rồi người ta dùng điện thoại cầm tay, điện thoại thông minh. Chúng tôi thấy rằng các đơn vị dự thi năm nay tận dụng rất tốt việc tranh thủ công chúng trên môi trường số để hỗ trợ cho nội dung phát thanh và các chương trình phát thanh trở thành những chương trình Multimedia chứ không phải là phát hành truyền thống.
Chúng ta thấy có tín hiệu rất tốt cho ngành phát thanh là khi người ta tham gia vào môi trường mạng thì xu hướng nghe đang trở lại, xu hướng lên mạng để nghe qua các nền tảng như: Sportify, Postcast... Và các cơ quan báo chí chúng ta thấy không chỉ các đài phát thanh và các báo điện tử lớn ở Việt Nam cũng đang làm Postcast, đang làm những chương trình có nội dung phát thanh để chúng ta thấy rằng bây giờ cái ranh giới phân biệt giữa các loại hình báo chí đã mờ đi. Và những người làm phát thanh có những cơ hội phát triển mới. Đây là một tín hiệu mà chúng tôi thấy rất mừng.
- Với xu hướng phát triển như vậy, ông kỳ vọng thế nào vào tương lai phát thanh?
Trong những năm trở lại đây, công nghệ thay đổi rất nhiều và thay đổi hoàn toàn đời sống con người, trong đấy có hoạt động báo chí. Cách đây khoảng 10 - 15 năm, người ta dậy sẽ vào những tờ báo điện tử quen thuộc để cập nhật thông tin. Thế nhưng gần đây không phải nữa, họ vào các nền tảng mạng xã hội. Thì cho thấy rằng, công nghệ sẽ thay đổi rất nhanh và những người làm báo phải thay đổi rất tích cực để không bị lạc điệu.
Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng (phải) cùng Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM Lê Công Đồng theo dõi các chương trình phát thanh trực tiếp.
Và cuối cùng là gì? Các cơ quan báo chí tồn tại được, thứ nhất chúng ta phải là những người đưa tin rất chuyên nghiệp. Thứ hai, chúng ta có khả năng phân tích, dự báo thông tin và mang đến cho công chúng những thông tin hữu ích mà họ muốn tiếp thu và họ muốn giải thích những sự kiện, những chiều hướng phát triển của các vấn đề kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội trong nước, quốc tế.
Tôi nghĩ rằng nếu những người làm báo, những nhà quản lý báo chí có đầu tư đúng hướng cho phát thanh nói riêng thì phát thanh có cơ hội phát triển và phát hành sẽ trở lại với vai trò là một trong những phương tiện như loại hình báo chí thân thiết, hữu dụng và gần gũi với công chúng, hữu ích công chúng...
- Phần thi phát thanh trực tiếp được đánh giá là danh giá, khó và cũng hấp dẫn nhất. Qua theo dõi, ông đánh giá các phần thi của các đội thế nào?
Một kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc thì có rất nhiều thể loại báo chí dự thi, nhưng tôi nghĩ các chương trình trực tiếp vẫn là một cái gì đấy rất đặc biệt. Nó thể hiện sức mạnh của phát thanh vì tính tức thời, khả năng đưa tin nhanh nhất đến công chúng. Và chúng ta còn theo dõi mấy chục chương trình trực tiếp của các đài địa phương nữa để có đánh giá tổng quan.
Thế nhưng, qua tín hiệu ban đầu của 5 đơn vị dự thi, tôi cảm thấy rất tự tin và lạc quan về tương lai của phát thanh và về cái tính chuyên nghiệp của các đồng nghiệp ở các đơn vị đã dự thi. Họ đem đến cho chúng ta thấy màu sắc rất mới, những kinh nghiệm rất mới.
Chương trình phát thanh trực tiếp của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM với khách mời là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức.
Bản thân tôi là một người làm về chỉ đạo nội dung, về quản lý báo chí của Đài nhưng tôi cũng thấy rất ngạc nhiên. Qua các chương trình của các đài địa phương, của các đồng nghiệp, tôi cũng thấy ngạc nhiên về sự trưởng thành của họ. Và khoảng cách giữa Trung ương và địa phương gần như bị xóa nhòa.
Các đồng nghiệp của chúng ta tận dụng rất tốt những thành tựu phát triển của khoa học công nghệ cũng như bắt những đề tài rất hấp dẫn, rất gần gũi để đưa đến cho công chúng những chương trình mà có tính chuyên nghiệp cao và thuyết phục được công chúng. Chúng tôi nghĩ đây là một tín hiệu rất tích cực và nó hứa hẹn cho sự thành công của kỳ phát thanh này.
Trân trọng cảm ơn ông!