Sáng 4/8, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức hội thảo quốc tế với nội dung "Phát triển nguồn thu cho các Đài Phát thanh Truyền hình (PT-TH) trong xu hướng chuyển đổi số". Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Liên hoan Phát thanh 2022, tổ chức tại TP.HCM từ ngày 2 - 6/8.
Tại hội thảo, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ những khó khăn mà phát thanh gặp phải trong giai đoạn hiện nay, khi truyền thông xã hội bùng nổ, khiến báo chí chính thống nói chung và phát thanh nói riêng phải cạnh tranh để chiếm được lòng tin của khán, thính giả.
Trước thách thức đặt ra, phát thanh cần tận dụng sức mạnh của khoa học - công nghệ để tạo ra bệ phóng phát triển. Phát thanh không thể chỉ đưa một chiều, đơn thuần qua một số nền tảng truyền thống, mà cần tích hợp để sinh động và chân thực hơn, giúp sản phẩm gần gũi và dễ tiếp cận hơn với công chúng.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
"Trong bối cảnh mới này, rất nhiều Đài PT-TH địa phương, nhiều cơ quan báo chí đang buộc phải tìm hướng thay đổi, định hướng mới theo môi trường mới và buộc phải có những sáng tạo và sự thử nghiệm.
Tuy nhiên, tại Đài Tiếng nói Việt Nam và cả các Đài địa phương, chúng ta chưa có đầy đủ kinh nghiệm để có thể tối ưu hóa năng lực của mình, cũng như tìm ra những biện pháp hiệu quả để gia tăng nguồn thu để phục vụ sản xuất nội dung và thu hút công chúng", ông Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.
Ông Phạm Mạnh Hùng khẳng định, đây là thời kỳ phát thanh đang có cơ hội phát triển trở lại và lấy lại vị thế vốn có. Đặc trưng của thời kỳ truyền thông này là không có “vua”, không có phương tiện truyền thông nào là “vua”.
"Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi rất nhanh nhu cầu tiếp cận nội dung của công chúng. Đây là điều chúng tôi mong muốn, nhà lãnh đạo các Đài PT - TH địa phương, các bạn đồng nghiệp hiểu rõ để thấy rằng chúng ta phải đầu tư cho phát thanh.
Thứ hai, chúng ta không làm phát thanh như trước đây mà phát thanh phải tích hợp đa phương tiện. Nhưng hồn cốt của phát thanh phải giữ lại đó là tiếng nói, sức mạnh của tiếng nói. Chúng ta không làm phát thanh như trước kia mà phải biết phân phối, đóng gói trên các nền tảng khác nhau.
Chúng ta phải làm phát thanh với tư cách của những người chuyên nghiệp. Cấu trúc nội bộ của chúng ta phải thay đổi, bộ phận làm phát thanh phải giỏi, bộ phận làm quảng cáo, quản trị phải thay đổi để có một cấu trúc hệ thống phù hợp với xu hướng mới", ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Phát thanh trên nền tảng số cũng là chủ đề được ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đề cập ở Hội nghị trao đổi mô hình, giải pháp, kế hoạch triển khai nền tảng phát thanh số quốc gia diễn ra chiều ngày 3/8.
Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Hải Quang cho biết, hiện nay, việc chuyển đổi số đang diễn ra trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tại tất cả các quốc gia trên thế giới và trong mọi lĩnh vực, mọi ngành, trong đó có cả phát thanh - truyền hình.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số tại các đài vẫn còn manh mún và cuộc cách mạng 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức khi làm thay đổi mọi thói quen của công chúng trong lĩnh thông tin và báo chí.
Theo ông Vũ Hải Quang, nếu như trước đây công chúng chỉ đón nhận, nghe - xem thông tin một chiều và các đài phát thanh - truyền hình chỉ phát sóng những sản phẩm mình có thì ngày nay hoàn toàn ngược lại.
Công chúng chỉ nghe - xem những gì cần nghe, muốn nghe và có thể nghe - xem ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Chính cuộc cách mạng 4.0 đang làm xuất hiện các hình thức khác cạnh tranh với báo chí truyền thống.
Ông Vũ Hải Quang nhấn mạnh, nội dung trên nền tảng số sẽ tiến tới thay thế cho hệ thống loa phường:
"Sự tương tác bằng điện thoại, sắp tới sẽ thay thế cho loa phường hiện nay. Loa phường ở các xã vùng sâu, vùng xa đã phát huy được tác dụng. Thế nhưng tiến tới trong xu thế của công nghệ hiện nay sẽ thay đổi điều đó. Người dân chỉ việc dùng điện thoại sẽ có thể nghe - xem trong phường của mình việc lĩnh lương thế nào, đi bầu cử ra sao, phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đi tiêm chủng… tất cả sẽ có thông tin ở trên hệ thống số".
Phát thanh sẽ thay đổi trong thời gian tới để bắt kịp và thỏa mãn nhu cầu của công chúng. Linh hoạt thay đổi và không ngừng cải tiến nội dung là con đường "độc đạo" để phát thanh tiếp tục trở thành lựa chọn tin cậy của công chúng.