Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến sáng 7/1, tổng số lượng xe còn tồn tại các cửa khẩu là 3.609 xe, giảm 2.150 xe so với ngày 25/12/2021. Trong đó tại tỉnh Lạng Sơn còn tồn 2.015 xe (giảm 2.189 xe), tại tỉnh Quảng Ninh còn tồn 1.260 xe (giảm 295 xe).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp với các đơn vị, địa phương tháo gỡ khó khăn hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu.
Số lượng xe giảm phần lớn là chuyển tiêu thụ nội địa nhưng cũng có một phần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Hữu Nghị, một phần chuyển qua xuất khẩu theo đường biển. Mặc dù các tỉnh biên giới đã liên tục khuyến cáo nhưng rải rác vẫn còn tình trạng tiếp tục đưa nông sản (chủ yếu là dưa hấu) lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trung bình khoảng 10 xe/ngày.
Hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có những chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn, khó khăn vẫn có thể phát sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, hiện nay số lượng hàng tồn đọng tại các cửa khẩu chủ yếu là hàng xuất khẩu tiểu ngạch nên thông quan gặp nhiều khó khăn. Muốn chuyển sang xuất khẩu chính ngạch thì hàng hóa cần phải sạch và phải rõ ràng về nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm của chúng ta chưa đáp ứng được hai tiêu chí này. Vì vậy lâu nay hàng hóa xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc giao dịch ở chợ đường biên để xuất khẩu.
“Nếu đáp ứng được hai yếu tố sạch, sản xuất theo đúng tiêu chuẩn Vietgap và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt nếu là sản phẩm hữu cơ nữa thì càng tốt. Và rõ ràng về nguồn gốc là cơ sở phải đăng ký mã số vùng trồng và phải đăng ký mã số doanh nghiệp. Nếu như không thực hiện tất cả các hồ sơ đó từ trước, khi bước vào sản xuất thì không thể có những hồ sơ đó được. Bộ Nông nghiệp có cố đến mấy cũng không thể nào gọi từng xe ở Lạng Sơn, Quảng Ninh ra để giúp người ta quay trở lại đăng ký vùng trồng, đăng ký mã số, bây giờ không truy xuất được nữa với những sản phẩm như thế rất khó để chuyển sang đi chính ngạch”, ông Khánh cho biết.
Để tháo gỡ khó khăn cho các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng đang ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Trần Thanh Nam cho biết, ngoài việc tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc, việc chuyển sang tiêu thụ tại thị trường nội địa đang được bộ xúc tiến. Hiện nay Bộ Nông nghiêp đang lên hệ với các doanh nghiệp chế biến và nhiều doanh nghiệp đã thông báo sẵn sàng mua để chế biến như xoài, dứa.
“Long An, Bình Thuận và Tiền Giang là 3 địa phương có diện tích thanh long lớn nhất thì các nhà máy chế biến thanh long cũng nằm ở đây. Tôi cũng đề nghị phối hợp mở, tổ chức các diễn đàn để kết nối vào các nhà máy chế biến”, ông Nam nói.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu kết luận cuộc họp.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng thường vào dịp cuối năm, mùa thu hoạch lại giáp tết hàng hóa xuất khẩu nhiều nên hay xảy ra ùn ứ, đặc biệt là do chính sách của phía Trung Quốc thực hiện Zero COVID-19 nên dẫn đến lượng hàng tồn ứ nhiều. Tuy nhiên, sau hội nghị thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc chỉ đạo điều hành cụ thể nên đã đạt một số kết quả bước đầu.
Phía Trung Quốc đã thể hiện thiện chí phối hợp với ta để xử lý tình trạng ùn tắc hàng hóa tại 2 bên biên giới. Tỉnh Quảng Tây đã tiến hành đánh giá tình hình thực tế công tác phòng chống dịch tại từng cửa khẩu để khôi phục hoạt động thông quan tại một số cửa khẩu. Hiện nay, trên tuyến biên giới phía Bắc đã có 10 cửa khẩu, lối mở hoạt động.
Hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có những chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Hiện này số lượng xe hàng tồn đọng tại cửa khẩu vẫn còn hơn 2.000 xe.
Trên tinh thần sớm tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước về hoạt động của các cửa khẩu biên giới trong đó đặc biệt lưu ý cần thông báo trước cho phía Việt Nam về việc đóng, mở các cửa khẩu song phương. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các địa phương biên giới thúc đẩy Trung Quốc nâng cấp các cửa khẩu biên giới Việt - Trung.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tăng cường kiểm dịch, tăng thời gian làm việc, điều chỉnh thời gian nghỉ trưa đồng bộ với phía Trung Quốc và triển khai đồng bộ các giải pháp để thông quan ngay từ đầu giờ sáng, nhằm tận dụng hiệu quả thời gian thông quan hiện có.
“Các bộ, ngành cùng phối hợp tiếp tục làm thật tốt với bạn để bạn chia sẻ với mình, trên cơ sở đó hai bên thống nhất với nhau để tăng thời gian thông quan, tiếp tục mở thêm nhiều cửa khẩu. Vai trò thật chủ động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh giúp cho điều hành làm sao phấn đấu trước Tết không còn xe ô tô nào tồn đọng ở cửa khẩu, nếu hàng hóa phải đổ đi rất tiếc. Bây giờ còn 23 ngày mong các địa phương, à soát, những Chủ tịch, Phó Chủ tịch hôm nay dự ở đây giao nhiệm vụ cho các ngành cố gắng phối hợp giữa địa phương, các bộ, các doanh nghiệp không để hiện tồn đọng quá lớn như thế gấy tốn kém, lãnh phí về của cải vật chất”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh biên giới phía Bắc, nhất là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai triển khai xây dựng “vùng xanh”, “luồng xanh” ở khu vực biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch COVID-19 hài hòa với phía Trung Quốc nhằm xây dựng và củng cố lòng tin từ phía Trung Quốc về công tác phòng chống dịch của ta, từ đó phía Bạn có thể yên tâm khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan tại tất cả các cửa khẩu.
Đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, điều tiết sớm các phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới sang Trung Quốc vào chờ tại các địa phương phía sau bởi với điều kiện hiện nay, năng lực thông quan tại các cửa khẩu chỉ có thể xử lý được lượng xe đang tồn tại các tỉnh biên giới phía Bắc từ nay tới Tết Nguyên đán.