“Trước diễn biến ở Biển Đông, chúng tôi luôn để ngỏ mọi lựa chọn trong việc kiểm soát tình hình, trong đó bao gồm quan hệ đối tác của Philippines với các quốc gia khác như Mỹ”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong nói.
Bình luận trên đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo Trung Quốc rằng, Washington sẽ tuân thủ các nghĩa vụ trong hiệp ước bảo vệ đối với Philippines.
“Một cuộc tấn công chống lại các lực lượng vũ trang hoặc máy bay Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm ở Biển Đông sẽ kích hoạt các nghĩa vụ của chúng tôi theo Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Mỹ-Philippines", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay.
Hàng trăm tàu cá Trung Quốc ồ ạt xuất hiện ở Biển Đông. (Ảnh: AP)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Washington chia sẻ mối quan ngại của Philippines về việc Trung Quốc điều động hàng trăm tàu dân binh đến gần đá Ba Đầu tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Hôm 6/4, người phát ngôn Tổng thống Philippines - Harry Roque, cho biết ông Rodrigo Duterte cam kết giải quyết xung đột ngoại giao với Trung Quốc liên quan đến việc tàu Trung Quốc hiện diện ồ ạt gần đá Ba Đầu ở Biển Đông trong thời gian qua.
Nhiều tàu Trung Quốc neo đậu gần đảo Sinh Tồn Đông từ hôm 7/3, bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt. Hôm 31/3, Philippines cho biết khoảng 220 tàu tỏa đi các bãi đá ngầm và đảo khác trong khu vực. Trung Quốc đã ngang ngược bác bỏ việc Philippines yêu cầu tàu dân binh rút khỏi khỏi khu vực.
Lập trường của Việt Nam về hành động của nước ngoài tại Biển Đông, quanh quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, nhiều lần được thể hiện rõ ràng, nhấn mạnh các hành vi không có sự cho phép của Việt Nam là phi pháp, đi ngược lại luật quốc tế.