Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phi công, tiếp viên hàng không đón giao thừa trên trời thế nào?

(VTC News) -

Nếu giao thừa là khoảnh khắc đoàn viên của nhiều người thì với các phi công, tiếp viên hàng không, đó có thể là giây phút họ phải xa gia đình để phục vụ những chuyến bay.

Những ngày cuối năm 2020, trong khi hàng triệu người đang có mặt trên các chuyến bay để trở về quê hương, gia đình sum họp thì những tiếp viên, phi công hàng không cũng ở trên máy bay nhưng để sẵn sàng phục vụ hành khách bất cứ lúc nào.

Chị Quỳnh Anh, 30 tuổi, hiện đang là tiếp viên hạng thương gia – Đoàn tiếp viên phía Bắc Vietnam Airlines cho biết, đã hơn 10 năm chị đón giao thừa trên “bầu trời”. Là người trong ngành, chị hiểu đặc thù công việc là càng những ngày cận Tết lại càng bận. Thế nhưng, cũng giống như bao đồng nghiệp khác, đối với Quỳnh Anh, việc bận rộn trong những đêm giao thừa là niềm tự hào và là trách nhiệm công việc của mình. Bởi chị được góp phần là một đầu mối trong chuỗi dây chuyền để đảm bảo mỗi chuyến bay an toàn tuyệt đối và đúng giờ, đưa hành khách về đón Tết với gia đình ở khắp nơi.

Tiếp viên hàng không là những người thường xuyên đón "giao thừa trên trời". (Ảnh: VNA)

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, đội ngũ phục vụ chuyến bay được họp kỹ càng hơn về an toàn bay, tránh những sơ suất có thể xảy ra trong thời gian cao điểm. Chị Quỳnh Anh luôn cùng đồng nghiệp hỗ trợ nhau, nỗ lực để hoàn thành vai trò là những mắt xích nhỏ để đóng góp vào sứ mệnh đảm bảo 100% những chuyến bay an toàn và đúng giờ.

Trong suốt những năm tháng gắn bó với Vietnam Airlines, chị Quỳnh Anh đã có nhiều cơ hội đón giao thừa trên bầu trời tại những vùng đất xa xôi. Đó là một trải nghiệm nhiều cảm xúc của nghề tiếp viên hàng không. Với chị, vào những giây phút giao thời, khi bên cạnh không phải là gia đình, thì đồng nghiệp chính là những người cho chị cảm giác ấm áp và gắn bó nhất.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị khi “đón năm mới trên bầu trời” là chuyến bay từ Nga về Hà Nội cách đây 5 năm. Chuyến bay cất cánh lúc 11h30 đêm – tính theo giờ Việt Nam, nghĩa là chỉ còn nửa tiếng nữa là tới thời khắc Giao thừa và bắt đầu một năm mới.

Công tác chuẩn bị cho chuyến bay diễn ra khẩn trương, gấp rút để cất cánh đúng giờ. Cả tàu bay khi ấy có hơn 200 hành khách và tất cả đều là bà con Việt Nam xa quê hương. Tiếng chào xen lẫn tiếng cười nói râm ran trên tiếng nhạc nền boarding là những bài hát chào xuân.

Khi máy bay cất cánh là lúc niềm hân hoan của hàng trăm con người càng dâng lên. Cơ trưởng của chuyến bay đọc phát thanh chúc mừng năm mới phi hành đoàn và hành khách. Quỳnh Anh cùng đồng nghiệp và tất cả hành khách cùng nhau nâng ly chúc cho một năm mới An khang thịnh vượng, thật nhiều may mắn. Bữa ăn hôm đó thực sự giống như một bữa tiệc, hành khách chia sẻ rất những câu chuyện hạnh phúc, sự mong mỏi sắp đoàn tụ gia đình.

Có những hành khách đã xa gia đình, xa Việt Nam 15 năm, họ đang mong mỏi được nhìn ngắm quê hương sau thời gian dài xa cách. Chị chia sẻ rằng phi hành đoàn và hành khách ngày hôm đó không một ai cảm thấy mệt mỏi.

Với chị Quỳnh Anh, niềm hạnh phúc quay trở về cùng ánh mắt chờ mong của hành khách đã theo chị suốt chặng đường bay và mãi về sau này. Chị chia sẻ và ước rằng mỗi chuyến bay đều như chuyến bay Tết. Dù phải cố gắng thêm một chút nhưng cảm thấy ấm áp, hạnh phúc.

Đối với phi công Vũ Tuấn Đạt của Vietnam Airlines, chuyên bay máy bay A350 đi Pháp, Đức, Nhật cho biết, anh bay từ năm 2002. Quãng thời gian dài gắn liền với nghề bay nên đối với anh chuyện đón giao thừa trên trời là điều hết sức bình thường. “Chỉ thương bố mẹ nhớ con cái khi mình vắng nhà ngày Tết còn bản thân thì đã quá quen”, anh nói.

Phi công Vietnam Airlines trước giờ cất cánh. (Ảnh: VNA)

Bà xã của anh cũng làm tiếp viên hàng không nên chuyện đêm giao thừa, hai vợ chồng ở hai đất nước cũng thường xuyên xảy ra. Nếu có thời gian, hai vợ chồng sẽ gọi điện hoặc nhắn tin chúc mừng nhau rồi hẹn gặp nhau ở nhà trong khoảnh khắc năm mới.

Anh Đạt cho biết thêm, thông thường, trong đêm giao thừa, trước khi hành khách lên máy bay, cả đoàn bay sẽ cùng chào hỏi chúc tết, phát lì xì rồi sau đó mọi người nhanh chóng tập trung vào công việc vì “mỗi người một việc và không thể lơ là”. “Ai đó có thể sẽ ngạc nhiên với sự vắng mặt của chúng tôi trong ngày đầu năm mới hay đêm giao thừa ở nhà nhưng đối với những người trong nghành hàng không, đó lại là điều quen thuộc. Nỗi nhớ nhà rồi cũng bị khỏa lấp bởi sự bận rộn và sự hài lòng của hành khách”, anh Đạt nói.

Linh Phi

Tin mới