Guardian ngày 19/4 đưa tin một hành tinh đá thuộc hệ hành tinh Cetus là khám phá mới nhất của các nhà khoa học trong việc tìm kiếm những hành tinh có triển vọng cho sự sống trong vũ trụ.
Đài quan sát MEarth-South đặt tại sa mạc Chile đã quan sát được hành tinh này khi nó băng ngang qua ngôi sao mẹ và phủ một bóng mờ lên đây.
Ngoại hành tinh này được cho nằm cách Trái Đất 39 năm ánh sáng và nằm trong vùng có thể sinh tồn quanh ngôi sao LHS 1140 trong hệ hành tinh Cetus.
Chuyên gia Jason Ditton thuộc Trung tâm Vật lý học Thiên thể Harvard-Smithsonian nói rằng ngoại hành tinh vừa được phát hiện, gọi là LHS 1140b, là phát hiện thú vị nhất ông từng thấy trong 10 năm qua.
"Chúng tôi khó có thể tìm thấy một mục tiêu tốt hơn để tìm lời giải cho một trong những câu hỏi lớn nhất của khoa học: tìm kiếm bằng chứng về sự sống ngoài Trái Đất", ông nói.
Dù vậy, Guardian nhận định tần suất phát hiện của các nhà khoa học đối với những hành tinh như vậy ngày càng thường xuyên, đến nỗi cái gọi là "mục tiêu hứa hẹn cho sự sống ngoài Trái Đất" thay đổi qua từng tháng. Hồi tháng 2, NASA công bố một phát hiện chấn động khi cho biết họ tìm thấy ít nhất 7 hành tinh kích thước như Trái Đất và ở cách 40 năm ánh sáng.
Các hành tinh này có kích thước tương tự Trái Đất, cùng nhiệt độ không quá khắc nghiệt, dao động từ 0 đến 100 độ C. Điều này có nghĩa những hành tinh mới có thể có nước dạng lỏng ở bề mặt, một dấu hiệu của sự sống.
Năm 2016, các nhà khoa học đánh giá hành tinh đá Proxima b, nằm cách đây 4,2 năm ánh sáng, sẽ là mục tiêu quan trọng trong việc tìm kiếm sự sống trên vũ trụ.
Điểm khác biệt của LHS 1140b là hành tinh này không bị bao phủ bởi bức xạ năng lượng cao như các hành tinh vây quanh ngôi sao tương tự. Bức xạ năng lượng cao có thể làm mất đi bầu không khí loãng và ảnh hưởng đến sự sống bên dưới. LHS 1140b được kỳ vọng sẽ có một môi trường dễ dung dưỡng sự sống hơn.
Video: NASA phát hiện 7 hành tinh to bằng Trái đất, có thể có sự sống