Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, hóa thạch trên được các nhà nghiên cứu đặt tên là Ingenia Prima, lớn gấp 3 lần so với kích thước hóa thạch của những con khủng long to nhất thuộc kỷ Tam Điệp.
Hóa thạch được phát hiện vào năm 2015 tại khu vực Balde de Leyes ở tỉnh San Juan, cách thủ đô Buenos Aires 1.100km.
Chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Bảo tàng Khoa học Thiên nhiên của Đại học San Juan (IMCN) Cecilia Apaldetti cho biết các chuyên gia khảo cổ tìm thấy hóa thạch một số đốt sống cổ, đuôi, xương chân trước và chân sau của mẫu vật trên.
Theo bà Apaldetti, Ingenia Prima có thể thuộc nhóm khủng long chân thằn lằn (Sauropoda) có 4 chân, ăn cỏ, dễ nhận biết vì có cổ và đuôi rất dài.
Trước khi tìm thấy mẫu vật này, giới chuyên gia cho rằng loài khủng long khổng lồ này sống ở kỷ Jura, cách đây 180 triệu năm trước. Đồng tác giả nghiên cứu hóa thạch trên, Ricardo Martinez cho rằng Ingenia Prima thuộc cuối kỷ Tam Điệp, có thể là 205 triệu năm trước đây.
Nhóm chuyên gia trên đang tiến hành nghiên cứu về kỷ Tam Điệp (kéo dài từ khoảng 250-200 triệu trước đây), thời kỳ khủng long vừa bắt đầu xuất hiện. Những con khủng long đầu tiên có kích thước nhỏ, sau đó tiến hóa dần trở thành những con vật khổng lồ để tự vệ.
Theo các chuyên gia của IMCN, các mảnh xương của Ingenia Prima cho thấy có sự tăng trưởng theo chu kỳ, theo mùa và có mô xương khác so với các loài Sauropoda khác, cho phép nó phát triển rất nhanh.
Video: Nhà khảo cổ phát hiện 300 dấu chân khủng long ở Trung Quốc
Ingenia Prima có thể phát triển cao tới 8-10m, do hóa thạch tìm được thuộc một khủng long mới lớn cao từ 6-7m. Loài này có thể phát triển cân nặng khoảng 10 tấn, tương đương 2-3 con voi Nam Phi.
Địa điểm khảo cổ Balde de Leyes thuộc tỉnh San Juan được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001, và kể từ năm 2014 đến nay các nhà khảo cổ Argentina đã tìm thấy hàng trăm mẫu vật tại khu vực này.