SVS 13 nằm cách chúng ta 980 năm ánh sáng với các cấu trúc khí và bụi phức tạp xung quanh, mà theo nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà thiên văn Ana Karla Díaz-Rodríguez từ Viện Vật lý thiên văn Andalusia (IAA-CSIC, Tây Ban Nha) và Trung tâm Khu vực ALMA thuộc Đại học Manchester (Anh), là những đĩa tiền hành tinh.
Không phải 1 mà có tới 3 đĩa tiền hành tinh với những hành tinh non trẻ đang dần hình thành xung quanh 2 "mặt trời" này: mỗi ngôi sao sở hữu riêng một hệ hành tinh, thêm vào đó là một hệ hành tinh lớn hơn đang hình thành quanh cả 2 ngôi sao.
Cặp sao đôi với 3 hệ hành tinh đang thành hình. (Ảnh đồ họa từ ESO)
Trước đây người ta cho rằng hệ sao đôi tạo ra một môi trường phức tạp hơn về trọng trường, thù địch hơn với quá trình hình thành hành tinh, nhưng có lẽ SVS 13 đem đến bằng chứng trái ngược, theo Science Alert.
SVS 13 nằm trong một đám mây phân tử hình thành sao là Perseus, rất trẻ và có nhiều điều kiện đề tạo ra các thế giới mới. Cả hai ngôi sao có khối lượng tương đương Mặt Trời, được khóa vào nhau với quỹ đạo chỉ cách 90 đơn vị thiên văn (90 lần khoảng cách Mặt Trời - Trái Đất).
Dữ liệu 30 năm quan sát của nhóm nghiên cứu còn cho thấy dấu hiệu của các phân tử hữu cơ phức tạp - tiền thân của các khối xây dựng sự sống - đang lang thang trong các đĩa tiền hành tinh.
Điều đó cho thấy một sự kiện giống với quá khứ giả thuyết của Trái Đất: mầm sự sống có sẵn trong đĩa tiền hành tinh, chỉ đợi đáp xuống các hành tinh non trẻ nằm ở vị trí phù hợp trong vùng sự sống của các ngôi sao. Vì vậy việc nghiên cứu các hệ hành tinh này có thể giúp giải đáp nhiều bí ẩn về chính chúng ta.
Bài nghiên cứu vừa được phê duyệt bởi The Astrophysical Journal, sẽ được công bố trong số sắp tới.