Phát biểu kênh truyền hình TF1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói, Paris sẽ sớm cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu Mirage 2000, kèm theo đó là chương trình đào tạo phi công Ukraine.
“Chúng tôi sẽ khởi động chương trình hợp tác quân sự mới với Ukraine. Trong đó có kế hoạch chuyển giao máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 do công ty Dassault của Pháp sản xuất và đào tạo phi công Ukraine tại Pháp”, Tổng thống Macron cho biết.
Tuy nhiên, ông Macron không nêu rõ số lượng máy bay sẽ được cung cấp hoặc khi nào chúng sẽ đến Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bài phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ 'Day D' ở Normandy hôm 6/6. (Ảnh: CNN)
Ông Macron cũng nói với TF1 rằng, Paris không lo lắng về việc leo thang xung đột. Tổng thống Pháp cũng ủng hộ việc thành lập một “lữ đoàn Pháp” gồm 4.500 binh sĩ Ukraine do Pháp huấn luyện và trang bị, đồng thời lặp lại tuyên bố của ông vào tuần trước rằng Ukraine có thể sử dụng tên lửa của Pháp để tấn công tầm xa trên đất Nga.
“Chúng tôi đứng về phía người Ukraine. Ukraine được phép tấn công các mục tiêu quân sự Nga phù hợp bắn tên lửa”, ông Macron nhấn mạnh.
Bên cạnh máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, Kiev từ lâu đã yêu cầu máy bay chiến đấu Mirage 2000 từ Pháp.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào tháng 1, Tư lệnh không quân Ukraine cho biết những máy bay phản lực Mirage 2000 của Pháp có thể so sánh với F-16 và phù hợp để thay thế cho các máy bay có từ thời Liên Xô của Kiev.
Pháp có khoảng 26 máy bay Mirage 2000-5 và 65 máy bay Mirage 2000-D cũ đang hoạt động, theo bảng xếp hạng của lực lượng không quân thế giới của Flight International. Với kế hoạch chuyển giao máy bay cho Ukraine, Tổng thống Pháp Macron nhiều khả năng phải loại biên hoặc giải thế một số phi đội Mirage 2000.
Trước đó, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đều cam kết cung cấp 85 máy bay F-16 cho Ukraine nhưng chưa có chiếc nào được bàn giao. Dẫn đầu trong các nước này là Bỉ với cam kết viện trợ 30 chiếc F-16 cho Kiev.
Tiêm kích Mirage 2000-5 của không quân Pháp.
Trong giai đoạn đầu của xung đột, Tổng thống Pháp Macron luôn tỏ ra thận trọng trước các kế hoạch viện trợ vũ khí ồ ạt cho Ukraine và cho rằng điều này có thể leo thang căng thẳng. Tuy nhiên lập trường của ông Macron đang dần thay đổi khi trở thành nhà lãnh đạo NATO đầu tiên kêu gọi liên minh quân sự này đưa quân đến Ukraine.
Tư lệnh quân đội Ukraine, Thượng tướng Aleksandr Syrsky tuần trước cho biết, nhóm cố vấn quân sự Pháp đầu tiên sẽ sớm được triển khai đến Ukraine. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cũng tuyên bố rằng việc cố vấn Pháp đến Kiev là hoạt động bình thường và không tạo ra nguy cơ đối đầu từ phía Nga.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng nhiều lần đưa ra cảnh báo rằng việc Pháp triển khai cố vấn quân sự đến Ukraine sẽ biến lực lượng này trở thành "mục tiêu hợp pháp" của quân đội Nga.
Trong một tuyên bố ngày 5/6, Tổng thống Nga Vladimr Putin nói rằng Moskva sẽ xem xét Nga đang xem xét các biện pháp "bất đối xứng" chống lại các nước viện trợ vũ khí cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga.