Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Pháp trực tiếp cung cấp khí đốt cho Đức, không chấp nhận mua giá cao từ Mỹ

(VTC News) -

Tập đoàn điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt của Pháp - GRTgaz - sáng 13/10 cho biết, đã chính thức cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức.

Theo thông báo từ phía Pháp, việc cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức bắt đầu lúc 6h sáng 13/10 theo giờ địa phương. Khí đốt được vận chuyển từ thành phố Obergailbach thuộc tỉnh Moselle của Pháp nằm sát biên giới Pháp - Đức đến điểm kết nối vào hệ thống khí đốt của Đức. Công suất vận chuyển là 31 Ggwh mỗi ngày và có thể tăng lên tối đa 100 Ggwh mỗi ngày nếu cần thiết.

Phía nhà cung cấp của Pháp đánh giá đây là sự kiện lịch sử vì trước đây nước này luôn phải cung cấp khí đốt cho Đức thông qua hệ thống đường ống của Bỉ.

Pháp trực tiếp cung cấp khí đốt cho Đức. (Ảnh: Reuters).

Việc Pháp cung cấp khí đốt cho Đức được thực hiện trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu chưa có dấu hiệu suy giảm khi các nước châu Âu không chỉ phải lo lắng về việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt sưởi ấm cho mùa Đông mà còn đang chật vật ứng phó với việc giá năng lượng tăng cao gấp nhiều lần so với trước kia. Trong các nước châu Âu, Pháp đã sớm hoàn tất việc trữ đầy 100% kho dự trữ khí đốt và được cho là có nhiều lợi thế hơn Đức trong nguồn cung năng lượng nhờ số lượng nhà máy điện hạt nhân đông đảo.         

Trong khi đó, mặc dù đầu tuần này cũng đã đạt mức dự trữ khí đốt là 95%, sớm hơn thời hạn đặt ra 3 tuần, nhưng Đức vẫn đang gấp rút tìm kiếm các nguồn cung bổ sung bởi theo các chuyên gia năng lượng Đức, kể cả khi kho dự trữ khí đốt của Đức đạt mức 100%, nước này cũng chỉ có thể trụ được khoảng 75 ngày nếu như Nga cắt đứt toàn bộ nguồn cung khí đốt ít ỏi hiện nay cho châu Âu thông qua đường ống ở Ukraine hay Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ngoài vấn đề nguồn cung, trong những ngày qua, các quan chức Đức và Pháp cũng đã công khai lên tiếng chỉ trích các nhà cung cấp mới của châu Âu như Mỹ, Na Uy khi bán khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cho châu Âu với giá đắt gấp nhiều lần so với giá bán cho các công ty nội địa của các nước này.

Từ sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine và việc châu Âu quyết tâm chấm dứt việc mua dầu mỏ, khí đốt của Nga, Mỹ và Na Uy đã thay Nga trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu Âu, trong đó khí LNG của Mỹ bán sang châu Âu tăng gấp nhiều lần, nhưng với giá cũng cao đến chục so với khí đốt của Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck tuần trước cho rằng, Mỹ đang trục lợi nhờ cuộc xung đột tại Ukraine, trong khi phát biểu trước Quốc hội Pháp ngày 12/10, Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire cũng tuyên bố châu Âu và Mỹ cần xác lập mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn và châu Âu không thể chấp nhận giá bán LNG cao hiện nay của Mỹ.        

“Chúng ta không thể để cho xung đột tại Ukraine lại được giải quyết bằng việc Mỹ thống trị kinh tế còn châu Âu thì suy yếu. Chúng ta không thể chấp nhận việc đối tác Mỹ bán khí tự nhiên hoá lỏng cho châu Âu với cái giá cao gấp 4 lần giá mà họ bán cho chính các công ty Mỹ. Việc châu Âu suy yếu về kinh tế sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai”.

Quang Dũng (VOV-Paris )

Tin mới