Ngày 27/5, tại thủ đô Kigali của Rwanda, Tổng thống Pháp có bài phát biểu trước đài tưởng niệm các nạn nhân vụ diệt chủng năm 1994. Tại đây, ông Emmanuel Macron khẳng định, nước Pháp có vai trò, có trách nhiệm chính trị đối với Rwanda trong vụ diệt chủng xảy ra vào năm 1994.
“27 năm cay đắng trôi qua, 27 năm không thấu hiểu nhau, 27 năm nỗ lực hàn gắn chân thành nhưng không thành, 27 năm chịu đựng đối với những người vẫn bị quá khứ giày vò, bây giờ, ngày hôm nay, bên cạnh các bạn, với sự khiêm tốn và tôn trọng, tôi đến để thừa nhận trách nhiệm của chúng tôi”.
Ông Macron đặt hoa tại Đài tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Rwanda. (Ảnh: Le Monde)
Mặc dù thừa nhận trách nhiệm của nước Pháp đối với vụ diệt chủng nhưng Tổng thống Pháp khẳng định, nước Pháp không phải đồng phạm trong vụ việc này, đồng thời không đưa ra lời xin lỗi đối với người dân Rwanda. Tổng thống Pháp mong muốn viết nên một trang mới trong mối quan hệ giữa hai nước sau hơn 1/4 thế kỷ căng thẳng.
Vào những năm 1990, Rwanda chìm trong cuộc nội chiến giữa Chính phủ Rwanda (do người người dân tộc Hutu nắm quyền) và Mặt trận yêu nước Rwanda của những người dộc tộc Tutsi tị nạn.
Ngày 6/4/1994, vụ khủng bố nhằm vào máy bay chở Tổng thống Rwanda lúc đó là ông Juvénal Habyarimana và Tổng thống Burundi, ông Cyprien Ntaryamira, xảy ra, châm ngòi cho hàng loạt các vụ thảm sát người dân tộc Tutsi. Theo ước tính của Liên hợp quốc, có khoảng 800 nghìn người, chủ yếu là người Tutsi, bị giết hại trong thời gian khoảng 3 tháng.
Trong thời điểm xảy ra vụ diệt chủng, Pháp đang triển khai chiến dịch quân sự mang tên Turquoise, thực hiện nhiệm vụ chính là cứu trợ nhân đạo. Tuy nhiên, lực lượng của Pháp bị cáo buộc đã làm ngơ khi những binh lính của chính phủ Rwanda truy sát người dân tộc Tutsi.
Quan hệ Pháp và Rwanda căng thẳng kể từ đó đến nay. Năm 1998, Rwanda cáo buộc nước Pháp phạm tội diệt chủng. Năm 2006, một thẩm phán cấp cao tại Pháp yêu cầu Tòa án hình sự quốc tế xét xử Tổng thống Rwanda Paul Kagame vì có liên quan tới vụ khủng bố ngày 6/4/1994, khiến nổ ra vụ diệt chủng. Hai nước cắt quan hệ ngoại giao và chỉ nối lại sau đó 3 năm.
Quan hệ Pháp và Rwanda tiếp tục căng thẳng trong nhiều năm sau đó và chỉ tốt lên vào năm 2018 khi Pháp ủng hộ bà Louise Mushikiwabo, người Rwanda, vào vị trí Tổng thư ký Tổ chức Pháp ngữ (OIF). Năm 2020, Pháp đã ký hiệp định hỗ trợ tài chính gần 50 triệu euro cho Rwanda, đặc biệt là để nước này chống dịch COVID-19.