Sputnik đưa tin, sau khi chính thức gia nhập NATO vào đầu tháng này, Phần Lan ghi nhận mức tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm cao nhất kể từ năm 1962, đỉnh điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Chi tiêu quân sự của quốc gia Bắc Âu đã tăng từ 1,3% lên 2% GDP trong vòng vài năm. Sự gia tăng này xuất phát từ việc Phần Lan ký kết một số thương vụ mua sắm khí tài tốn kém như máy bay phản lực F-35 mới do Mỹ sản xuất.
Xe tăng Thụy Điển và Phần Lan trong cuộc tập trận quân sự "Cold Response 2022" tại Na Uy vào tháng 3/2022. (Ảnh: Reuters)
Theo thoả thuận, Phần Lan mua 64 máy bay chiến đấu F-35 mới từ công ty vũ khí Mỹ Lockheed Martin, trị giá 10 tỷ euro. Đây được coi là khoản chi lớn nhất trong lịch sử của quốc gia Bắc Âu này.
Trong thời kỳ cuối của Chiến tranh Lạnh, Phần Lan đã chi khoảng 1,9% GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, mức chi tiêu đã giảm mạnh trong những năm tiếp theo và đạt mức thấp nhất vào năm 2001 khi chỉ ở mức 1,1% GDP.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Phần Lan đồng ý bổ sung hơn 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) vào chi tiêu quốc phòng.
Là thành viên mới của NATO, Phần Lan nổi lên như một trong những quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu trong liên minh. Trong năm 2022, chỉ có Mỹ (3,5% GDP), Ba Lan (2,4%), Estonia (2,3%) và Vương quốc Anh (2,1%) chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn Phần Lan.
Mặc dù mục tiêu chi tiêu của NATO là 2%, nhiều quốc gia vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu này. Na Uy có mức chi tiêu chỉ 1,55%. Trong khi Thụy Điển - quốc gia đã nộp đơn gia nhập NATO, cam kết đạt được mục tiêu chi tiêu quân sự của khối "càng sớm càng tốt". Đan Mạch tìm cách đạt được mục tiêu của NATO trong vòng một thập kỷ, vào năm 2033.
Mới đây, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng kỷ lục năm 2022 khi nhiều nước chạy đua mua sắm vũ khí.
Theo báo cáo được công bố hôm 23/4, SIPRI đánh giá chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2022. Nguyên nhân là do cuộc xung đột Nga - Ukraine thúc đẩy mức tăng chi tiêu hằng năm lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Báo cáo của SIPRI cho biết, chi tiêu quân sự thế giới năm 2022 tăng 3,7% lên mức 2,24 nghìn tỷ USD. Chi tiêu của châu Âu tăng 13%, chủ yếu là do sự gia tăng của Nga và Ukraine.
Nhiều quốc gia khác trên khắp châu Âu cũng tăng cường ngân sách quân sự và lên kế hoạch chi mạnh tay hơn nữa giữa bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.