Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phân biệt chủng tộc, CĐV sẽ bị cấm vào sân xem Ngoại hạng Anh

(VTC News) -

Các CĐV có hành vi phân biệt chủng tộc sẽ bị "cấm cửa" đến mọi sân vận động của các CLB tham dự Ngoại hạng Anh mùa này.

Theo Daily Mail, các CLB tham dự Ngoại hạng Anh đã đi đến thống nhất: mọi cổ động viên (CĐV) có hành vi phân biệt chủng tộc hay xúc phạm, quấy rối cầu thủ sẽ bị cấm đến sân vận động ở mùa giải 2021/2022.

Điều luật cứng rắn này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau khi 3 cầu thủ Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka trở thành tâm điểm phân biệt chủng tộc ở trận chung kết EURO 2020 giữa Anh và Italy.

Hơn 1 triệu người đã ký đơn yêu cầu các CLB Anh đặt lệnh cấm đến sân bóng trọn đời với các CĐV có hành vi xúc phạm, lăng mạ cầu thủ. Đây là cột mốc mới trên chặng đường chống phân biệt đối xử mà bóng đá Anh đang nỗ lực đẩy mạnh để bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ.

Rashford bị phân biệt chủng tộc sau khi đá hỏng quả 11m khiến Anh thua Italy. 

Trên thực tế, điều luật này nhận được sự đồng thuận của 20 đội bóng Anh vào tháng 6, trước tình trạng vấn nạn quấy rối, bắt nạt trên các nền tảng trực tuyến với cầu thủ ngày càng gia tăng. Theo giám đốc điều hành Richard Masters của Ngoại hạng Anh, việc đưa ra các điều lệ cứng rắn để ngăn chặn phân biệt chủng tộc là ưu tiên của Ngoại hạng Anh.

Tháng 3/2019, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã phát động chiến dịch "Không có chỗ cho phân biệt chủng tộc" nhằm kêu gọi khán giả lên án, tẩy chay những hành vi này. Các CLB Anh sẽ theo dõi các nền tảng mạng xã hội để xác nhận các nội dung mang tính thù địch, sau đó báo cáo cho các công ty công nghệ nhằm gỡ bỏ. 

Theo báo cáo của Manchester United, các cầu thủ phải nhận số lượng thông điệp mang tính lăng mạ, xúc phạm tăng lên tới 350%, với 3.300 bài đăng. 86% trong số này có nội dung phân biệt chủng tộc và 8% kỳ thị giới tính. Anthony Martial, Axel Tuanzebe và Fred là những cầu thủ bị phân biệt chủng tộc nhiều nhất trong vài tuần vừa qua. 

Ngày càng nhiều cầu thủ lên tiếng về những thông điệp cực đoan mà họ phải nhận trên mạng xã hội, trong đó có Rashford, Martial ở Man Utd, Antonio Rudiger ở Chelsea hay Willian ở Arsenal.

Thông điệp "Không có chỗ cho phân biệt chủng tộc" được đẩy mạnh. 

Điều này đặt ra áp lực cho các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter cần quản lý chặt chẽ hơn để loại bỏ các thông điệp thù địch, ngăn chặn những CĐV quá khích đăng ký tài khoản mới, cũng như hành động để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật. 

Theo thống kê của ban tổ chức Ngoại hạng Anh, 80% các bài viết phân biệt chủng tộc cầu thủ đến từ nước ngoài, khiến việc xử lý thủ phạm khó khăn và phức tạp hơn.

Đầu năm 2021 vừa qua, thiếu niên Derel Ng (Singapore) trở thành người đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Anh bị kết tội vì gửi tin nhắn lăng mạ một cầu thủ Ngoại hạng Anh (Neil Maupay của Brighton & Hove Albion).

Đội ngũ pháp lý của Ngoại hạng Anh đã thu thập bằng chứng và làm việc với các nhà chức trách ở Singapore, khiến CĐV 19 tuổi này phải nhận lệnh quản chế 9 tháng.

Cũng trong đầu năm nay, Ngoại hạng Anh đã công bố kế hoạch tạo điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp cho những cầu thủ da màu, gốc Á và các sắc tộc khác.

Chống lại phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử sẽ là cuộc chiến dài hơi, mà những thông điệp lăng mạ sau chung kết EURO 2020 là lời nhắc nhở các CLB và nhà chức trách cần vào cuộc quyết liệt hơn để giải quyết vấn nạn này.

Hồng Nam

Tin mới