Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phải giữ đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực

(VTC News)- “Cần khoanh định rõ diện tích đất trồng lúa để bảo vệ nghiêm ngặt, quy định trách nhiệm rõ ràng, điều kiện chặt chẽ khi chuyển đổi đất trồng lúa..."

(VTC News) – “Cần khoanh định rõ diện tích đất trồng lúa để bảo vệ nghiêm ngặt, quy định trách nhiệm rõ ràng, điều kiện chặt chẽ khi chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày trước Quốc hội Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, định hướng đến năm 2020, dân số cả nước khoảng 100 triệu người (45% dân số sống ở khu vực đô thị). Theo đó, phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trình Quốc hội quyết định.

Cụ thể, đối với diện tích đất nông nghiệp của cả nước đến năm 2020 là 26.732 nghìn ha, tăng 506 nghìn ha so với năm 2010. Trong đó quy hoạch đất trồng lúa được xác định là 3.812 nghìn ha, giảm 308 nghìn ha so với năm 2010.

Chính phủ kiến nghị giữ 3,81 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2020, trong khi theo đề xuất của các địa phương thì đến năm 2020 diện tích đất trồng lúa chỉ còn là 3,6 triệu ha. (Ảnh: VNE)

Theo Bộ trưởng Quang, sau khi cân nhắc tính toán nhiều phương án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội phương án giữ chỉ tiêu đất trồng lúa trên 3,81 triệu ha trong kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). Sau năm 2015, căn cứ vào thực tế của từng địa phương, trong trường hợp cần thiết mới điều chỉnh lại chỉ tiêu này khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020.

Về quy hoạch đất lâm nghiệp đến năm 2020, theo Bộ trưởng Quang, phải đạt 16.245 nghìn ha để đảm bảo độ che phủ đạt 45%.

Về quy hoạch đất phi nông nghiệp, năm 2020, cả nước có 4.880 nghìn ha, tăng 1.175 nghìn ha so với năm 2010, trong đó, đất quốc phòng là 388 nghìn ha; đất an ninh là 82 nghìn ha; đất khu công nghiệp (không bao gồm cụm công nghiệp) là 200 nghìn ha; đất phát triển hạ tầng là 1.578 nghìn ha; đất di tích, danh thắng là 28 nghìn ha; đất bãi thải, xử lý chất thải (trong đó có đất để xử lý, chôn lấp chất thải nguy hại là 21 nghìn ha;


Đất ở tại đô thị quy hoạch đến năm 2020 đất là 202 nghìn ha (trong tổng diện tích 2.095 nghìn ha đất đô thị, đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%).

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Quang, đến năm 2020, diện tích các loại đất phi nông nghiệp còn lại được xác định là 2.381 nghìn ha sẽ được Chính phủ và UBND các cấp xét duyệt trong quy hoạch sử dụng đất của các địa phương.

Bộ trưởng Quang cũng cho biết, đến năm 2020 quỹ đất chưa sử dụng của cả nước còn lại khoảng 1.483 nghìn ha.

Về quy hoạch diện tích phát triển khu công nghiệp đến năm 2020 là 200 nghìn ha, Bộ trưởng  Quang nói thêm, quy hoạch này nhằm đảm bảo đủ quỹ đất cho mục tiêu công nghiệp hóa, tránh tình trạng khi phát triển khu công nghiệp phải chi phí nhiều cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

“Trong quá trình thực hiện quy hoạch, Chính phủ sẽ căn cứ quy định (tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008) chỉ bố trí phát triển mở rộng, quy hoạch mới đối với những khu công nghiệp, những địa phương có tỷ lệ lấp đầy từ 60% trở lên” – ông Quang nói.

Cần khoanh định rõ diện tích đất trồng lúa để bảo vệ nghiêm ngặt

Về kiến nghị đối với đất trồng lúa của Chính phủ nêu trên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc xác định diện tích đất để đảm bảo an toàn lương thực phải căn cứ vào nhu cầu lương thực trong dài hạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể để giữ được diện tích đất trồng lúa 3,81 triệu ha. Đồng thời có chính sách đặc thù cho người dân trồng lúa và các địa phương giữ diện tích đất lúa này  (Ảnh: Internet)


Ông Giàu phân tích, hiện nay cơ cấu bữa ăn của người Việt
Nam
thay đổi (lương thực ít đi, thực phẩm tăng lên) thay vào đó nhu cầu sử dụng lương thực cho chăn nuôi (để sản xuất thực phẩm) ngày càng cao. Do đó, cần phải tính toán cả nhu cầu lương thực và thực phẩm để dự tính đất cho sản xuất lương thực, nhất là đất trồng lúa.

“Vì vậy, Ủy ban Kinh tế nhất trí với mục tiêu giữ diện tích đất lúa ở mức 3,8 triệu ha để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong dài hạn và một phần dành cho xuất khẩu” – ông Giàu nói.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ lưu ý phải đẩy mạnh thâm canh, nâng hệ số sử dụng đất lên cao hơn và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất giống, bảo quản, chế biến.

“Đây là thách thức không nhỏ trong điều kiện chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm thực mặn ảnh hưởng đến diện tích và năng suất lúa. đòi hỏi sự nỗ lực lớn của toàn bộ hệ thống chính trị và đồng thời cần khoanh định rõ diện tích đất trồng lúa để bảo vệ nghiêm ngặt, quy định trách nhiệm rõ ràng, điều kiện chặt chẽ khi chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” – ông Giàu nói.

Về quy hoạch đất khu công nghiệp, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập. Việc quy hoạch xây dựng mới các khu công nghiệp cần dựa trên cơ sở lợi thế cạnh tranh, chú trọng quy hoạch theo vùng, không nên đầu tư dàn trải, theo địa giới hành chính.


“Việc tăng diện tích khu công nghiệp từ 72 nghìn ha lên 200 nghìn ha đến năm 2020 cần được tính toán, cân nhắc hiệu quả kinh tế - xã hội” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định.


Theo đó, việc phát triển các khu công nghiệp nên tận dụng đất đồi núi, lấn biển, tạo điều kiện đầu tư phát triển kinh tế xã hội cho các vùng này, tính toán chặt chẽ đối với đồng bằng đảm bảo diện tích trồng lúa theo quy hoạch.


Việc phê duyệt dự án xây dựng các khu công nghiệp mới cần căn cứ vào tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trong phạm vi địa phương và các vùng lân cận. Phấn đấu đẩy nhanh tỷ lệ lấp đầy từ 60% - 70% trong vòng khoảng 4-5 năm sau khi triển khai khu công nghiệp.


Về quy hoạch đất ở tại đô thị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, hiện nay còn có sự trùng lắp, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, trong đó có khu đô thị.


“Quy hoạch các khu đô thị phải căn cứ vào mức độ phát triển kinh tế xã hội, khả năng tài chính của nhà đầu tư, thu nhập và nhu cầu của người dân, đảm bảo cân đối cung cầu, chống đầu cơ. Đầu tư phát triển khu đô thị phải đồng bộ, đảm bảo quan hệ hợp lý giữa diện tích xây dựng với diện tích cơ sở hạ tầng, diện tích cây xanh, đảm bảo điều kiện sinh hoạt của dân cư” – ông Giàu nói.


Kiều Minh

Nguồn:

Tin mới