Ngày 6/9, lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Thuận thông báo, chiều 7/9, UBND tỉnh sẽ tổ chức buổi họp báo thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét tại trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận.
Mô phỏng Hồ Ka Pét sau khi hoàn thành (Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận)
Tại buổi họp báo, tỉnh Bình Thuận sẽ thông tin đầy đủ dự án hồ chứa nước Ka Pét, ý nghĩa của việc thực hiện dự án và tiến độ thực hiện dự án với đại diện UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm...
Cũng trong sáng nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại khu vực phê duyệt xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.
Hồ chứa nước Ka Pét sẽ được xây tại khu rừng sau khu dân cư hiện hữu của xã Mỹ Thạnh, cách chừng 2 km, kéo dài lên hướng núi rừng huyện Tánh Linh (Ảnh: Ngọc Trâm)
Như VTC News đã thông tin, dự án Hồ chứa nước Ka Pét dung tích hơn 51 triệu m3 được Quốc hội thông qua từ năm 2019, chủ trương đầu tư tổng vốn 874 tỷ đồng nhằm cung cấp nước cho nông nghiệp; khu công nghiệp, sinh hoạt, cải tạo môi trường và điều tiết nước vùng hạ du Hàm Thuận Nam.
Dự án lấy mặt bằng từ khu rừng rộng 619 ha ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Hồ sẽ được xây tại khu rừng sau khu dân cư hiện hữu của xã Mỹ Thạnh, cách chừng 2 km, kéo dài lên hướng núi rừng huyện Tánh Linh.
Sau khi rừng được phá bỏ, những cây lâu năm sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận phải trồng lại hơn 1.844 ha ở những nơi khác để thay thể diện tích rừng bị mất. Dự kiến tổng kinh phí trồng rừng thay thế khoảng 177 tỷ đồng.
Dự án nhằm cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Ngoài ra, dự án cũng thực hiện phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.